Với vai trò, trách nhiệm của mình, già Nhím được tặng nhiều giấy khen, Bằng khen từ các cấpGià Clâu Nhím sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn, tiếng vọng của núi rừng như nguồn cội văn hóa của người Cơ Tu như thấm vào từng thớ thịt từ thuở nhỏ. Đó là những ngày theo chân cha mẹ lên nương rẫy, những mùa lễ hội tưng bừng bên tiếng chiêng, tiếng trống, những đêm dài quây quần quanh bếp lửa, nghe người già kể chuyện xưa… dần dần nuôi dưỡng trong già một tình yêu tha thiết với văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Khi trưởng thành, già kinh qua nhiều vị trí trong cộng đồng: Từ cán bộ thôn, thành viên Mặt trận, cho đến khi được người dân yêu mến bầu chọn vào lực lượng Người có uy tín – người giữ luật tục của đồng bào. Ở bất cứ vai trò nào, già vẫn giữ cho mình sự giản dị, gần gũi và mẫu mực.
Suốt nhiều năm, với vai trò là Người có uy tín ở địa phương, già không nhớ rõ là mình đã tham gia bao nhiêu cuộc họp, đứng ra hòa giải bao nhiêu vụ việc, hay chỉ đơn thuần là đứng ra vận động những người trẻ con từ bỏ những hủ tục như tảo hôn, mê tín dị đoan, cùng nhau giữ gìn an ninh bản làng và môi trường sống.
Đối với già, không cần nhiều lời to tát, chỉ cần một ánh nhìn nghiêm trang, hay đơn giản là lời nói rắn rỏi đủ để người khác nghe và thấu hiểu. Bởi theo già, khi những lời sẻ chia, giải thích đúng chỗ, có trọng tâm thì mọi việc dù khó đến đâu cũng tìm được mấu chốt để giải quyết. Nhiều lúc, bên cạnh cái lý đúng, sai thì con người quan trọng là sống với nhau bằng cái tình.
Chính vì thế, cộng đồng người Cơ Tu ở Đông Giang thường gọi ông với mỹ từ thân thương “người biết lắng nghe và biết nói”. Nghe để hiểu lòng người dân. Nói để dân chịu nghe, chịu làm theo điều đúng.
“Người có uy tín là người không chỉ nói cho người khác nghe, mà phải sống để người ta tin”, già Nhím trải lòng một cách nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức thuyết phục.
Già Clâu Nhím, Người có uy tín mẫu mực trong cộng đồng Cơ Tu ở Đông GiangKhông chỉ là Người có uy tín được cộng đồng yêu quý, già Clâu Nhím còn là một nghệ sĩ dân gian thực thụ giữa đại ngàn Trường Sơn. Với bàn tay khéo léo, tâm hồn nghệ sĩ và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa Cơ Tu, già đã tự học, tự chơi và làm chủ hơn chục loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn abel, khèn, sáo, đàn dây, trống, tù và...
Theo già Clâu Nhím, ngày xưa trong các dịp lễ hội, người Cơ Tu lại tụ họp bên bếp lửa, ngân lên tiếng đàn, tiếng chiêng để kể chuyện tổ tiên, chuyện núi rừng, chuyện tình yêu. Những âm thanh ấy đã in đậm trong tâm hồn ông, thôi thúc ông đi khắp bản làng để học hỏi từ các bậc cao niên, ghi chép, ghi âm, phục dựng lại các nhạc cụ cổ đã mai một.
Từ lồ ô, tre rừng đến dây mây, ông tự tay chế tác từng chiếc sáo, cây đàn với họa tiết hoa văn đậm bản sắc Cơ Tu. Già Clâu Nhím tin rằng, mỗi nhạc cụ cũng mang trong mình một “linh hồn” riêng, không chỉ đúng âm thanh mà còn là tiếng lòng của bản làng, của đồng bào mình.
“Mỗi lần làm ra được nhạc cụ ưng ý, mình thích lắm. Âm thanh cất lên rõ, tròn, hòa vào tiếng gió nghe du dương. Lúc đó, sướng lắm”, già Clâu Nhím cười tâm đắc.
Cao hứng, già Clâu Nhím đứng dậy, rút từ góc nhà ra một chiếc khèn bằng ống nứa, nâng niu rồi đặt lên môi réo rắt một bản nhạc tình. Âm thanh không lớn, nhưng vang xa và đầy thi vị. Rồi ông chuyển sang thổi cây Adul, tiếng sáo vút lên, khi réo rắt, khi buồn như gió qua rừng thẳm.
Khi tiếng sáo trôi vào một miền xa xôi vô định nào đấy, già Clâu Nhím mời chúng tôi ra sân để biểu diễn màn múa trống. Già vỗ tay vào mặt trống, từng nhịp một, tạo nên chuỗi âm thanh cộng hưởng vang vọng. Đôi lúc, nhịp trống dồn dập, như thể một lễ hội sắp bắt đầu.
Khi tiếng trống dừng lại, quay sang chúng tôi, ánh mắt vẫn nhìn xa về phía núi, già Clâu Nhím khẽ bảo: “Cái tiếng đàn, tiếng sáo này, mình giữ được đến giờ là may rồi. Chỉ mong sau này con cháu còn nhớ, còn biết làm, biết thổi, để không mất gốc”.
Chúng tôi chợt hiểu, ông không đơn thuần là một nghệ nhân, càng không phải người đi “giữ nghề” cho riêng mình. Ông là người giữ hồn cho làng và cho cả những thế hệ đang lớn lên không quên tiếng gọi từ cội nguồn.
Già Nhím không nhớ rõ đã băng qua bao nhiêu bản làng, gặp gỡ bao nhiêu người để ghi chép lời bài hát ru cổ, các làn điệu dân ca, cách tổ chức nghi lễ truyền thống… Những câu từ ấy, âm thanh ấy, giờ đây được trao truyền lại cho người trẻ như một cách mà ông trả ơn với rừng, với cộng đồng mình.