Giữa cái nắng oi bức đầu hè, chúng tôi tìm về buôn Ngo B, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) để gặp Y Hai. Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 80km, buôn Ngo B vẫn giữ được nét nguyên sơ, yên bình với những ngôi nhà dài đặc trưng của buôn làng Tây Nguyên.
Biết có người đến tìm hiểu về điệu K’ưt, Y Hai bỏ việc nhổ mì để tiếp chuyện. Vì sương gió núi rừng cùng gánh nặng mưu sinh khiến Y Hai trông già dặn hơn so với lứa tuổi 35. Trước khi bắt đầu câu chuyện, Y Hai ngẫu hứng ca một điệu K’ưt chào đón khách và để xua tan mệt nhọc.
Y Hai giải thích: K’ưt là một trong những làn điệu dân ca nổi tiếng của người Ê-đê. Điệu hát K’ưt mênh mang, dàn trải theo lối hát nói, không tiết tấu, thường mang tính tự sự, tâm tình hoặc kể lể. K’ưt được dùng ở mọi nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: có khi là câu hát chào mừng, tâm sự với người khách đến thăm nhà; thể hiện trong lễ cúng sức khỏe; hoặc trong lễ cưới hỏi và cả trong đám tang, lễ bỏ mả.
“Trước đây, điệu K’ưt được dùng phổ biến trong buôn làng và hầu như ai cũng biết hát. Nhưng để hát hay, người hát phải thuộc nhiều ca dao, dân ca Ê-đê, biết luyến láy, sáng tạo và đặc biệt phải yêu điệu K’ưt mới chạm đến hồn núi, thần rừng”, Y Hai cho biết.
Với Y Hai, điệu K’ưt ngấm vào tâm hồn anh từ những ngày thơ bé qua lời hát của các già làng trong buôn mỗi khi quây quần chuyện trò. Năm học lớp 5, anh bắt đầu tập hát. Từ những bài hát truyền thống do người lớn truyền dạy, Y Hai tự sáng tạo, thêm chi tiết cho phù hợp với không gian, thời gian hát. Đặc biệt, với niềm yêu kính Bác Hồ, Y Hai đã sáng tác, hát kể về Người bằng điệu K’ưt.
“Mình muốn kể chuyện về Bác cho nhiều người nghe nhưng nói tiếng Việt không rành lắm nên kể bằng điệu hát K’ưt mềm mại, thể hiện được tấm lòng của người Ê-đê dành cho Bác. Mình tự nghĩ ra câu hát dựa trên quá trình hoạt động của Bác, tả thêm cảnh, tâm trạng mình vào. Trong các đợt văn nghệ, hội thi mình đem ra hát, khán giả nghe xong nhất là bà con đồng bào vỗ tay làm mình vui, tự tin hơn”, Y Hai trải lòng.
Nói rồi anh cao giọng ngân ca bài về tiểu sử ra đi tìm đường cứu nước của Bác: Ngày xưa, đất nước bị giặc xâm lăng, dân chúng đói khát, buôn làng chìm trong bóng tối. Đã có nhiều vị anh hùng đứng lên chống lại kẻ thù bằng nhiều cách khác nhau nhưng đều thất bại. Bác suy nghĩ rất lâu và nhận ra muốn đánh thắng kẻ thù thì ta phải biết rõ về họ, nắm được điểm mạnh điểm yếu chớp thời cơ. Nơi Bác ra đi tại bến Nhà Rồng, nơi Bác đặt chân đến là nước Pháp.
Mặt trời sáng rồi lại tắt, mùa rẫy này lại đến mùa rẫy khác, Bác đi qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia lớn-nhỏ, cuối cùng Bác đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc là con đường cách mạng vô sản. Nhân dân mừng lắm, vui lắm khi biết Bác quay về cứu dân tộc. Cuộc đấu tranh nào cũng có nhiều chông gai, thử thách nhưng dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác đã giành thắng lợi vẻ vang. Thế là, bao nhiêu năm bị giặc ức hiếp, nay dân ta đã được sống trong hòa bình, vui vẻ. Từ khắp bản làng thôn xóm rợp đỏ cờ hoa, ai ai cũng chăm chỉ làm ăn đẩy lùi giặc đói, giặc dốt. Buôn làng ta no ấm như ngày hôm nay là nhờ có Bác. Chúng ta phải kính yêu bác và hãy kể về Bác cho con cháu mình biết…
Trưởng thành qua năm tháng, Y Hai càng thuộc lòng thêm nhiều điệu K’ưt, cách hát cũng chuẩn, chắc, điêu luyện hơn. Nhưng tỷ lệ nghịch với sự trưởng thành đó là số lần diễn của Y Hai lại giảm xuống. Có nhiều nguyên nhân khiến anh “quên” đi niềm say mê ca hát như gánh nặng mưu sinh, hay điệu K’ưt đã không còn vang đều trong buôn làng.
“Hồi đó người hát K’ưt trong buôn nhiều, giờ ít lắm. Ở lứa tuổi của mình chẳng còn ai biết hát, bọn trẻ càng không, chỉ còn mấy cụ già muốn hát cũng chẳng còn hơi sức nữa. Nếu người nào thích học, mình sẵn sàng bày lại, nếu không vài năm nữa con mình lớn chút sẽ dạy để giữ điệu K’ưt vang mãi”, anh Y Hai tâm sự.
ĐĂNG QUANG