Mặc dù đã trải qua gần 70 mùa rẫy, nhưng tiếng sáo của bà Mí Lát vẫn dặt dìu mỗi khi được cất lên, nhất là vào dịp lễ hội hay những lúc lên rẫy. Mỗi khi bà Mí Lát thổi đinh tút, âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ truyền thống này rất trong trẻo, giai điệu ngọt ngào được nhiều người yêu thích, nhất là khi âm thanh này hòa cùng tiếng cồng chiêng. Theo bà Mí Lát, càng thổi lâu thì âm thanh của đinh tút càng cao vút, vọng vang, len vào trong từng tầng cây, hốc đá, làm cho không khí lao động thêm hăng say.
Bà Mí Lát tâm sự: Giữa đại ngàn, khi tiếng đinh tút vang lên sẽ xua tan những nỗi buồn. Tiếng đinh tút lúc nhẹ nhàng, trầm lắng, lúc thánh thót như thôi thúc mời gọi mọi người tạm gác mọi lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc nhau.
Điều bà Mí Lát lo lắng nhất hiện nay là không còn nhiều người biết thổi đinh tút, những người trẻ thì hầu như không để tâm đến loại nhạc cụ truyền thống này. “Mí thấy lo nếu như một ngày mình như chiếc lá vàng trước gió, nhất là khi cái tai không còn thính, cái giọng không còn trong mà bọn trẻ không chịu kế thừa, không chịu theo học để giữ âm thanh của đại ngàn. Bây giờ còn giữ được thì mình cứ giữ và khuyến khích lớp trẻ học được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu”, bà Mí Lát trải lòng.
Theo ông Ksor Y Lêng, Phó Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Sông Hinh, trong đồng bào dân tộc Ê Đê ở Sông Hinh, những người có thể thổi đinh tút như bà Mí Lát rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, địa phương rất trân quý và luôn động viên bà nỗ lực lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Trước những nguy cơ mai một, ngành Văn hóa huyện đã tuyên truyền, vận động già làng, Người có uy tín, các nghệ nhân, người trực tiếp nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và thanh, thiếu niên tham gia vào các CLB, đội văn nghệ truyền thống của từng xã. “Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể; truyền dạy các loại nhạc cụ dân tộc mới có cải tiến và truyền dạy kỹ năng dàn dựng tổ chức các chương trình văn nghệ truyền thống”, ông Ksor Y Lêng cho biết thêm.
Không chỉ tích cực gìn giữ và “truyền lửa” đam mê nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ, bà Mí Lát còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong buôn phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng khu dân cư lành mạnh. Bằng uy tín của mình, bà Mí Lát đã vận động, thuyết phục nhiều người làm theo những điều hay lẽ phải để có cuộc sống tốt hơn.
Chị Mí Nhét xúc động kể: Gia đình đã nghèo nhưng chồng tôi không chịu và cũng không cho thực hiện các biện pháp tránh thai nên chưa đến 40 tuổi, tôi đã sinh 11 đứa con. Khi biết vợ chồng tôi có ý định sinh đứa con thứ 12, bà Mí Lát đã đến tận nhà khuyên giải, vận động. Mí nói không được sinh nữa, nếu cứ sinh mà không có điều kiện nuôi con thì cái nghèo nó cứ theo mãi. Vợ chồng tôi nghe theo và được Mí hướng dẫn cách vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ tích cực gìn giữ và truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ, bà Mí Lát còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong buôn phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh…
Với lối sống giản dị gần gũi, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, bà Mí Lát ban ngày đi rẫy kết hợp vận động bà con trong buôn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh. Ban đêm hay những ngày nông nhàn, hết mùa rẫy, bà vận động mọi người cùng luyện tập văn nghệ, tập thổi đinh tút cho các cháu thanh, thiếu niên.