Động lực từ sự thấu hiểu
Pờ Chừ Lửng là một trong những điểm xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, nơi được mệnh danh là “vùng đất bị lãng quên”. Đây là thôn xa nhất của xã Ngam Lam, với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Thôn có 54 hộ dân, thì đến 52 hộ thuộc diện nghèo, 2 hộ còn lại là cận nghèo.
Thầy Lợi tâm sự: “Tôi là một người con dân tộc Giáy. Sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Minh (Hà Giang). Tôi có cơ hội học tập cho đến năm 2015 trở thành giáo viên, gắn bó với nơi này cho đến hôm nay. Thấu hiểu những thiệt thòi của con em đồng bào DTTS trên vùng cao Hà Giang, chính vì vậy tôi muốn đem con chữ của mình đến với học sinh".
Thầy kể, con đường từ trung tâm xã đến điểm trường phải đi bộ mất vài tiếng đồng hồ, qua những con đường nhỏ hẹp và trơn trượt, vắt ngang là những sườn núi đá cheo leo. Những hôm trời mưa, đường đi lại khó khăn hơn, phải đánh vật với đá nhọn, bùn lầy mới vào được đến nơi.
Không chỉ vậy, xung quanh khu vực là núi đá vôi nên luôn thiếu nước, chủ yếu sử dụng nước mưa từ mái chảy xuống để uống. Điện trong thôn bản khi có, khi không. Do vậy, hầu hết các giáo viên đều tận dụng thời điểm rảnh rỗi ban ngày để soạn giáo án.
Các em học sinh nơi đây đều là con em đồng bào DTTS. Trường có 2 lớp, một lớp học có khoảng 14 - 15 em học sinh. Trong quá trình giảng dạy các em, thầy Lợi phải sử dụng tiếng địa phương và tiếng phổ thông song song để truyền đạt kiến thức.
5 năm cắm bản, là từng đó năm, thầy Lợi gắn liền bao ký ức khó quên với các em học sinh nơi đây. “Mùa khô lớp học còn đầy đủ, mùa mưa đường đi lại khó khăn, băng tuyết phủ khắp núi, số học sinh đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sáng sớm không thể học được vì bàn ghế, bảng đen ướt nhẹp. Giáo viên phải đốt cây ngô để sưởi và dạy các em bên đống lửa”, thầy Lợi bồi hồi nhớ lại.
Hành trình "gieo chữ" không dừng lại
Những ngày giữa tháng 11, tại điểm trường thôn Pờ Chừ Lửng, thời tiết mùa Đông tràn về, sương giăng dày đặc, đường đi lại mờ trong sương. Không gian tại điểm trường dường như trở nên tĩnh lặng hơn, sau hơn 2 tuần trường phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thời gian này, thầy Lợi trở về cùng với gia đình tại xã Đông Minh, huyện Yên Minh. Vợ thầy là giáo viên mầm non trong xã. Thời điểm về nhận công tác tại Pờ Chừ Lừng, đứa con nhỏ của thầy mới 5 tuổi.
“Lúc mới lên gia đình, lại không có sóng điện thoại, truyền hình, nhiều khi nhớ nhà, cũng muốn trở về nhưng lại nghĩ đến các em, trách nhiệm của mình, nên vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường. Tranh thủ thời gian, cuối tuần tôi lại về thăm gia đình. Hiện nay, để liên lạc về cũng phải dò sóng điện thoại mất cả giờ đồng hồ”, thầy Lợi cho hay.
Không chỉ là người "gieo chữ" đến cho các em học sinh, mà trong suốt những năm qua, thầy Lợi còn là "cầu nối" để học sinh không bỏ học giữa chừng. Thầy đi đến từng nhà vận động, thậm chí nhiều khi phải leo núi vài tiếng đồng hồ lên tận nương trên sườn núi cao nơi các em chăn dê, nuôi thả trâu bò để nhắc nhở vận động học sinh quay trở lại lớp.
Sau 5 năm cắm bản, được về điểm chính, nhưng năm học này, thầy Lợi đã xin Ban Giám hiệu để quay lại điểm trường cũ thêm một thời gian nữa. Thầy vẫn tiếp tục trên hành trình "gieo chữ" cho trẻ em và mở lớp xóa mù chữ cho bà con dân bản.
“Tôi muốn tiếp tục duy trì lớp học dạy chữ cho bà con. Vì tôi nhận thấy, bà con trên bản có nhu cầu học chữ để phục vụ cuộc sống hằng ngày như đi chợ, hay làm những thủ tục hành chính”, thầy Lợi nói.
Nhiệt huyết của thầy Lợi đã góp phần thắp sáng cho cuộc đời của nhiều đứa trẻ người Mông. Đôi bàn chân của người thầy, vẫn lặng thầm bước qua bốn mùa Thu Đông Xuân Hạ... để đem con chữ đến cho các em nhỏ vùng cao.