Tiên phong với cây trồng mới
Huồi Cọ là bản giáp biên của xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương có 100% là đồng bào mông với 50 hộ và khoảng 400 nhân khẩu sinh sống. Nơi đây, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ… thích hợp cho nhiều loại cây trồng phát triển.
Từ điều kiện của vùng đất, khi Đề án thí điểm trồng cây chanh leo được thực hiện tại xã Nhôn Mai vào năm 2016, ông Và Chắn Dờ nhận thấy đây chính là cơ hội để gia đình mình “đổi đời” từ loại cây trồng mới.
Nghĩ là làm. Ông Dờ mạnh dạn đăng ký trồng thử hơn 300 gốc chanh leo. Do cây chanh leo mới được thử nghiệm trồng ở địa phương nên để có thể trồng chanh leo hiệu quả, ông Dờ rất chăm chỉ, tích cực học hỏi các bạn kỹ thuật viên của dự án. Chỗ nào chưa hiểu, ông hỏi ngay, rồi mày mò làm. Thời gian đầu mới trồng, chả mấy khi thấy ông Dờ ở nhà. Bà vợ ông Dờ còn kể rằng: cứ tìm ông ấy – ông Dờ, thì phải lên rẫy thôi. Ông ấy ở miết từ sáng cho đến tối, có hôm quên cả về ăn cơm.
Còn ông Dờ thì chỉ cười: ta ở để chăm cái cây thôi mà. Nó là loại cây mới, mình chưa hiểu nên càng phải tỉ mỉ, kiên trì hơn trong việc vun gốc, bón phân, bắt sâu, nhổ cỏ…
Đến năm 2017, khi đã nắm được cơ bản kỹ thuật trồng chanh leo, ông Và Chắn Dờ mới bắt đầu vận động bà con trong bản Huồi Cọ nhân rộng mô hình để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước thay đổi cuộc sống. Bởi ông Dờ nghĩ đơn giản rằng, chỉ khi đã hiểu rõ về đặc tích cây chanh leo, thì mới dám phổ biến cho bà con trồng đại trà, tránh trường hợp đáng tiếc cây không hiệu quả, tội cho bà con.
Cũng nhờ trồng cây chanh leo, kết hợp chăn nuôi, kết thúc năm 2017, bản Huồi Cọ đã có 10 hộ thoát nghèo.Từ kết quả bước đầu, năm 2018, người dân bản Huồi Cọ đã mạnh dạn đăng ký trồng thêm 9.800 gốc chanh leo với diện tích 15,68ha, nâng tổng số cây chanh leo ở Huồi Cọ lên 26.600 cây, trên tổng diện tích 42ha. Riêng gia đình ông Và Chắn Dờ thì đã trồng 900 gốc, với diện tích 2ha.
Ngoài việc trồng cây chanh leo, ông Và Chắn Dờ còn là hộ tiên phong phát triển kinh tế ở bản vùng biên Huồi Cọ. Với cái “gen” siêng năng, chăm chỉ, không ngại gian khó của người Mông, trên phần diện tích của gia đình, ông Dờ đã trồng thêm sắn, dưa nại và tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chả thế mà trong chuồng nhà ông Dờ, lúc nào cũng có khoảng gần 20 con bò, hơn chục con lợn đen bản địa, hàng trăm con gà…
Từ phát triển kinh tế hộ qua tận dụng lợi thế vùng đất để chăn nuôi và trồng trọt, tính ra mỗi năm gia đình ông Và Chắn Dờ cũng thu về gần 100 triệu đồng. Số tiền ấy, ông dành để sửa sang nhà cửa, lo cho con cái học hành và để một phần nhỏ phòng khi có điều bất trắc.
Điều mà dân bản Huồi Cọ quý mến, trân trọng ông chính là sự cần cù, chịu khó, sẵn sàng chia sẻ với bà con dân bản. Những kinh nghiệm hay, những bài học từ lao động sản xuất, hay đơn giản chỉ là việc chăm lo cho con cái được học cái chữ, biết cái chữ… đều được ông Dờ chia sẻ với mọi người nhiệt tình. Ông bảo: Cái gì hay, cái gì tốt thì ta bảo bà con làm, mà không biết thì ta bày cho mà làm. Cái nào ta thấy mình sai rồi, làm không hiệu quả thì nhắc nhở bà con đừng có làm như thế…
Cột mốc sống nơi biên cương
Phát triển kinh tế giỏi thì rõ ràng quá rồi, bà con bản Huồi Cọ đã thấy và tin nghe lâu rồi. Nhưng trong việc vận động mọi người làm đường giao thông nông thôn, tu sửa đường làng, tuyên truyền để bà con không tham gia vào các tệ nạn xã hội… thì ông Dờ mất nhiều thời gian hơn. Vì nhận thức, suy nghĩ hạn chế… nhiều người chưa tin, chưa theo, thành ra ông Dờ phải kiên trì vận động, giải thích.
Nhiều đêm suy nghĩ, ông Dờ quyết định: mình phải gương mẫu thực hiện trước, thấy tốt, thấy hiệu quả thì bà con mới tin.
Vậy là, trong các hoạt động tại bản Huồi Cọ, Và Bá Dờ như một lá cờ tiên phong giữa đại ngàn biên cương Nhôn Mai. Ông Dờ kể: Trong tuyên truyền vận động bà con từ bỏ ma túy, thuốc phiện… ta đã lấy những ví dụ về những con người do nghiện ma túy, nghiện thuốc phiện mà làm bản thân, vợ con khổ, kéo theo gây hậu quả xấu cho bản làng. Rồi những phục tục lạc hậu như chăn nuôi gần nhà, đám cưới, đám ma kéo dài quá… ta đều vận động bà con phải thay đổi. Trước hết là để văn minh hơn, hai nữa là bớt tốn kém tiền của, ba nữa là đỡ ô nhiễm môi trường. Còn gia đình ta, mấy tục lệ ấy, ta đều tiên phong thay đổi, làm đầu tiên rồi.
"Mình được phổ biến về tác hại của ma túy, của HIV… về mình nói lại cho bà con nghe, khuyên bà con nhắc con em mình đừng thử mấy thứ độc hại này. Phong tục nào lạc hậu thì phải bảo nhau loại bỏ dần dần. Mình có gương mẫu, có sống tốt thì nói bà con mới nghe”, ông Dờ cho biết thêm.
Huồi Cọ là bản giáp biên của xã Nhôn Mai nên tình hình an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới rất nhạy cảm. Chưa kể, nhiều đối tượng xấu lợi dụng địa bàn phức tạp để buôn bán ma túy, buôn bán người, buôn bán hàng cấm, tuyên truyền đạo trái phép…
Để góp phần nâng cao nhận thức cho bà con về gìn giữ an ninh trật tự, biên giới có yên thì lòng dân mới vững, ông Và Chắn Dờ đã tự nguyện cùng với Chi ủy, Ban quản lý thôn thường xuyên phối hợp với UBND xã Nhôn Mai và Đồn Biên phòng Nhôn Mai tổ chức tuần tra biên giới; tuyên truyền cho bà con nắm được những chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về luật biên giới, di dịch cư trái phép; giúp bà con hiểu không tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Để thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị với nước bạn Lào, giúp bà con người Mông 2 bản bên biên giới có cuộc sống ổn định, chăm lo lao động sản xuất để đẩy đuổi đói nghèo, ông Dờ đã là nhân tố tích cực trong quá trình kết nghĩa giữa hai bản Huồi Cọ và bản Tằng Sàu – cụm bản Phá Đánh (tỉnh Hủa Phăn – Lào).
Khi đã kết nghĩa bản-bản, ông Dờ càng có điều kiện đi lại hợp tác giao thương giữa 2 bên, từ đó ông và các đoàn thể còn phối hợp tuyên truyền nhằm duy trì tình đoàn kết, gắn bó, giúp nhân dân hai bản cùng phát triển sản xuất.
Mưa dầm thấm lâu, từ việc kiên trì vận động, giải thích, tuyên truyền vừa giản dị và gần gũi như vậy nên ý thức người dân Huồi Cọ về việc giữ gìn an ninh thôn bản, phát triển kinh tế ngày một tốt hơn. Nhiều người không còn muốn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn cố gắng để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Về Huồi Cọ hôm nay, là dấu ấn của một bản làng vùng biên đổi mới. Không còn một Huồi Cọ xa xôi với cảnh không đường, không điện… như hôm nào. Huồi Cọ đã có một diện mạo mới với đường làng ngõ xóm sạch sẽ, người dân hăng say lao động sản xuất để gà vịt đầy sân, ngô lúa đầy bồ… Trong niềm vui mới ấy, thấp thoáng phía sau là bóng dáng của người có uy tín Và Chắn Dờ với những suy nghĩ, việc làm đầy trách nhiệm.