Bản nghèo khởi sắc
Hơn 3 giờ đồng hồ vật lộn với những cung đường quanh co, đèo dốc mới tới được bản Huồi Cọ. Bí thư Chi bộ, ông Và Ca Sua nghe tin nhà báo vào thăm bản, suốt cả buổi sáng cứ vào trông ra ngóng. Sau cái bắt tay thật chặt vị Bí thư Chi bộ sinh năm 1974 Và Ca Sua dẫn chúng tôi vượt qua nhiều đồi sắn nương ngô đến với “tư dinh” của gia đình ông.
Ngôi nhà sàn đậm nét văn hóa người Mông có nhiều cách tân nằm lọt thỏm giữa vườn chanh leo và cây ăn quả như nói lên được sự năng động và tân tiến trong suy nghĩ của vị chủ nhà. Sau chén trà nóng, Bí thư Và Ca Sua kể về những thăng trầm của người Mông ở Huồi Cọ.
Ông nói rằng, bây giờ người Mông ở đây không còn cảnh sống du canh du cư đốt rừng làm nương rẫy nữa, bà con đã chủ động làm kinh tế để có cái ăn cái mặc. Từ khi cây chanh leo được cán bộ huyện đưa vào Huồi Cọ rồi bén duyên với vùng đất này, đã góp phần làm cho cuộc sống người dân đổi thay.
Bí thư Sua kể, gia đình ông trước đây cũng rất khó khăn bởi không biết trồng cây gì nuôi con gì để mang lại hiệu quả. Thế rồi cách đây 3 năm, cán bộ huyện đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm ở Huồi Cọ, ông tin rằng với khí hậu và thổ nhưỡng nới đây cây chanh leo sẽ phát triển tốt thế là gia đình xung phong là hộ đầu tiên trồng thí điểm. Sau thời gian, cây chanh leo phát triển tốt cho thu nhập cao thế rồi người dân đồng loạt trồng theo…
Để minh chứng lời nói của mình ông Sua dẫn đến thăm hộ gia đình, anh Và Bá Xo, một hộ thoát nghèo từ cây chanh leo trong năm 2017 vừa qua. Mặc dù phát âm tiếng kinh chưa tròn tiếng nhưng những gì mà anh Xo diễn giải cùng đủ thấy, vai trò của cây chanh leo đối với người dân nơi đây.
“Chanh leo đã giúp hàng chục hộ của bản đổi đời, không còn lo đói nghèo nữa. Gia đình tôi trồng 100 gốc chanh leo cùng với nuôi lợn đen và dê bò năm vừa qua cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Bây giờ không lo thiếu ăn nữa mà phải đầu tư cho con ra huyện để học cấp 3 kiếm cái chữ thôi…”, anh Và Bá Xo cho biết.
Hiện nay, cây chanh leo đã cơ bản phủ kín vùng đồi núi trọc ở Huồi Cọ. Trong niềm vui của dân bản, có lẽ vị Bí thư chi bộ Và Ca Sua là người vui nhất. Vui khi cuộc sống bà con không còn lo đói nghèo, vui khi tư duy sản xuất mới được nhân dân tiếp cận và lĩnh hội. Trong 44 hộ, với hơn 300 nhân khẩu thì có đến gần 3/4 số hộ tham gia trồng chanh leo.
Bí thư bản Huồi Cọ phấn khởi khoe “thành tích” trồng chanh leo của các hộ dân: “Khó khăn, lạ lẫm lúc ban đầu thôi. Giờ thì nhà nào cũng thạo kỹ thuật trồng cây chanh leo. Nhà ít cũng phải trăm gốc, nhà nhiều có đến cả nghìn gốc chanh ấy chứ”. Và theo đó, thu nhập từ chanh leo của mỗi hộ trung bình phải đến trăm triệu đồng mỗi năm, có của ăn, của để, dân bản vui lắm.
Ông Lương Xuân Hiệp, Chủ tịch xã Nhôn Mai cho hay: Người dân Huồi Cọ không chỉ trồng chanh leo cho thu nhập cao, ổn định mà bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm rất giỏi. Có những hộ ngoài hàng trăm gốc chanh leo còn nuôi 40-50 con bò, dăm chục con lợn; còn gà và ngan thì hầu như hộ nào cũng có dăm bảy chục con.
Ngoài ra, người Mông ở Huồi Cọ còn biết đào ao để nuôi cá và trữ nước tưới cho cây trồng nữa… Điều mà chính quyền yên tâm hơn cả đó là tư duy sản xuất của người Mông ở Huồi Cọ đã có sự thay đổi đột phá, không còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa mà đổi lại, người dân đã biết chủ động phát triển kinh tế theo mô hình và theo chuỗi giá trị sản xuất..
Xây dựng bản nông thôn mới
Bí thư chi bộ Và Ca Sua nói rằng: từ khi nghe tin chính quyền xã và huyện sẽ xây dựng Huồi Cọ thành bản nông thôn mới và bản du lịch cộng đồng; ban quản lý bản đã vận động bà con tập trung phát triển sản xuất, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Cùng với đó, là tập trung khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới diện tích đào phai vốn là “hồn” của bản để sau này khi du khách đến được thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ của những cánh đào rừng chính hiệu. Ông Sua cũng cho biết, ở Huồi Cọ đang còn nhiều cây đào cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm. Cây đào là nét riêng của người Huồi Cọ nên người dân luôn có ý thức bảo vệ không bán và cũng không cho…
Nhận thấy sự đổi thay tích cực trong suy ngĩ và cách làm của người dân Huồi Cọ nên năm 2017 UBND huyện Tương Dương đã xây dựng và ban hành Đề án xây dựng bản Huồi Cọ thành bản nông thôn mới và trở thành bản điểm về phát triển kinh tế, xã hội vùng biên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Đề án lấy kinh tế hộ gia đình làm trọng tâm. Theo đó, vận động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình theo mô hình phát triển gia trại, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa: chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cây chanh leo để nhân dân được thoát nghèo; khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển các nghề truyền thống (rèn, đan lát, thổ cẩm phục vụ du lịch, nâng cao đời sống).
Bên cạnh đó, là xây dựng thiết chế văn hóa đồng bộ, phấn đấu đến năm 2020 hộ nghèo còn dưới 10% và có 100% nhà ở khang trang, sạch đẹp theo đúng phong tục tập quán. Bí thư chi bộ Và Ca Sua kỳ vọng “không lâu nữa Huồi Cọ sẽ trở thành bản nông thôn mới và là điểm du lịch cộng đồng thu hút khách thập phương về thăm và trải nghiệm”.
MINH THỨ