Như Thanh là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách Tp. Thanh Hóa 37 km, dân số 94.906 người, có 3 dân tộc chính: Kinh chiếm 56,78%, Mường 22,24%, Thái 18,23%, còn lại là các dân tộc khác. Huyện có 13 xã và 1 thị trấn, 165 thôn, bản, khu phố, trong đó 9 xã thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn) và 1 thôn đặc biệt khó khăn.
Toàn huyện hiện có 109 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Bao năm qua, họ vẫn luôn là lực lượng hết sức quan trọng, nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS.
Trong số những Người có uy tín của huyện Như Thanh, có những người được bà con tín nhiệm bình bầu là Người có uy tín cả chục năm nay, như ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường ở thôn 6, xã Xuân Du. Ông Lưu được cộng đồng người Mường tôn vinh là Người có uy tín từ năm 2014.
Xã Xuân Du là thủ phủ trồng đào của xứ Thanh, do vậy nguồn thu nhập '"ra tấm, ra miếng" của bà con nơi đây, là từ việc trồng đào phục vụ dịp Tết. Nhà ông Lưu cũng nằm trong số đó. Ông Lưu chia sẻ: Hầu hết các thôn trong xã đều trồng đào, trong đó có 8 thôn trồng tập trung, đến nay các thôn đều đã được công nhận là “làng nghề trồng hoa đào cảnh”. Gia đình ông hiện nay cũng có khoảng 1.500 gốc đào, Tết năm nay, dự tính bán ra thị trường gần 1.000 gốc. Ông cho biết, để bà con có thu nhập từ trồng đào, ông đã thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong trồng đào cho bà con địa phương; hộ khó khăn thì ông giúp thêm giống cây trồng, nhờ đó các hộ có hướng đi mới trong phát triển kinh tế. "Bao năm nay, nguồn thu từ bán đào Tết cũng đã giúp cho gia đình và các hộ trong xã có cuộc sống đầy đủ, tươm tất", ông Lưu cho biết.
Không chỉ là một nông dân làm kinh tế giỏi, với vai trò là Người có uy tín, ông luôn đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở địa phương. Ông thường xuyên tham gia vận động bà con trong đóng góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
“Mình học và làm theo lời dạy của Bác Hồ là “Trăm nghìn lời nói không bằng một việc làm thiết thực”, việc gì mình muốn đồng bào làm thì mình cứ làm trước đã. Khi làm tốt rồi thì mình vận động người dân họ mới nghe. Như việc trồng đào hay làm những việc khác, không vi phạm pháp luật, không nghe theo lời của kẻ xấu... mình và gia đình đều thực hiện trước, từ đó người dân sẽ làm theo”, ông Lưu chia sẻ.
Cùng với ông Lưu, trên địa bàn huyện Như Thanh còn rất nhiều tấm gương Người có uy tín tiêu biểu, phát huy vai trò đặc biệt trong vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: Lễ hội Kin chiêng bọoc mạy tín ngưỡng sinh hoạt của người Thái xã Xuân Phúc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; lễ hội Sết boọc mạy của dân tộc Thái xã Xuân Thọ, lễ hội cơm mới của dân tộc Mường xã Phượng Nghi.
Bà Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, là một huyện miền núi, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong điều kiện đó, cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh rất quan tâm đến các chính sách đối với đồng bào DTTS, đặc biệt chính sách đối với Người có uy tín. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn, đưa Người có uy tín đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa ở vùng DTTS hiệu quả. Qua đó, Người có uy tín trở về tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế.
Theo bà Hoa, những năm qua, một trong những nhân tố tạo nên mối đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân chính là Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Phát huy tinh thần gương mẫu, những Người có uy tín không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà họ còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.
"Nhiều năm qua, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, đội ngũ Người có uy tín của huyện Như Thanh đã vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, đóng góp hàng tỷ đồng làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa phòng học, trạm y tế xã; khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao”, bà Hoa cho biết thêm.