Điển hình như ông Lê Ngọc Giáp, Người uy tín ở thôn Cát Lợi, xã Cát Tân (Như Xuân) là người có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Để thôn Cát Lợi có diện mạo nông thôn mới (NTM) như hôm nay, ông Giáp thường xuyên trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền để làm đường giao thông, sửa chữa nhà văn hóa. Lời nói của ông luôn thấu tình, đạt lý, nên đồng bào trong thôn tin tưởng và làm theo. Đặc biệt, trong hơn 10 năm được bầu chọn là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, bản thân gia đình ông đã tiên phong trong việc hiến gần 100 m2 đất ở để mở rộng con đường liên thôn mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.
Theo lãnh đạo UBND xã Cát Tân, từ khi địa phương phát động chương trình xây dựng NTM, Nhân dân các thôn trong xã đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng công trình phúc lợi mà không nhận tiền đền bù. Riêng thôn Cát Lợi có tổng cộng 21 hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, với tổng diện tích là hơn 4.800 m2. Ngoài ông Giáp, còn có gia đình ông Lê Hữu Vinh là hộ hiến nhiều đất nhất, với tổng diện tích 250 m2.
Hay như ông Hà Ngọc Tiến, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Cán Khê (Như Thanh), là Người có uy tín trong thôn, được người dân quý trọng. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đoàn kết, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách...
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ông Tiến đã tích cực tham gia vận động các hộ dân trong thôn đóng góp tiền và ngày công, để hoàn thành gần 3 km đường giao thông nông thôn, trên 1 km kênh mương nội đồng, trồng 1,5 km đường hoa…
Trong phong trào xây dựng NTM ở miền núi Thanh Hóa, ngoài sự tích cực vận động anh em dòng họ, người thân, đồng bào hiến đất mở đường như ông Giáp, ông Tiến nêu trên, còn có nhiều Người có uy tín trên địa bàn tiêu biểu làm tốt công tác này, như các ông: Lê Đình Thắm, dân tộc Thổ, khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát (Như Xuân); Hà Văn Păn, dân tộc Thái, thôn Cao, xã Lũng Cao (Bá Thước); Hà Xuân Trường, dân tộc Mường, thôn Trâm Lụt, xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy)...
Nhờ sự đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM và sự nỗ lực chung tay của đồng bào các dân tộc, đến nay ở các huyện miền núi đã có 690/1.787 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 67/225 xã miền núi được công nhận xã NTM, tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã; tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; 99,8% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%...
Ông Dương Văn Giang - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM thôn, bản. Do Thanh Hóa là tỉnh có diện tích, dân số lớn; có số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh (huyện, xã, thôn, bản) nhiều nhất cả nước, trong đó, có 11 huyện miền núi (có 6/11 huyện là huyện nghèo 30a) với đặc thù về điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm về kinh tế còn khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn cấp xã như toàn quốc đang triển khai, ngay từ những năm đầu, tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM cấp thôn, bản thuộc các huyện miền núi, với phương châm “có nhiều thôn, bản NTM trong xã thì sẽ có xã NTM”.
Theo ông Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, tác động toàn diện đến mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… ở khu vực nông thôn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và Người có uy tín tại các thôn, bản có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện.