Năm nay đã 72 tuổi nhưng Pả Lăng vẫn thường xuyên đi nương trồng bời lời đỏ, vẫn tham gia trồng lúa, thả cá. Trong bản, ai cần kinh nghiệm nuôi trồng, ông đều tích cực chỉ bảo. Đây là những công việc mà hàng chục năm nay ông vẫn làm.
Pả Lăng kể: sau khi tham gia dân quân du kích xã A Dơi làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam, năm 1968, ông trở về bản Pa Roi. Lúc đó, nhìn trước, nhìn sau, cả bản chỉ lác đác vài nóc nhà sàn của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ly tán trở về dựng lại dọc theo triền đồi, khe suối; cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu đói triền miên.
Nhìn đồi núi trập trùng mà không nuôi nổi gia đình mình và bà con dân bản, Pả Lăng trăn trở ngày đêm. Để nhà mình không còn đói, bản Pa Roi không còn nghèo, Pả Lăng quyết đi đầu làm kinh tế.
Ông cần mẫn tăng gia sản xuất, phát nương trồng ngô, sắn, nuôi thêm lợn, gà, dê,… Không làm một mình, ông vận động bà con trong bản làm theo. Một người làm theo, hai người làm theo,… thế rồi cả bản 53 hộ cùng làm theo Pả Lăng. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuộc sống ở bản Pa Roi thay đổi từng bước.
Nhưng trồng ngô, trồng sắn để thoát khỏi cái đói thì được, còn muốn thoát nghèo thì phải nhờ vào cây trồng khác. Sau nhiều đêm suy nghĩ, được cán bộ xã tư vấn Pả Lăng mạnh dạn động viên nhân dân đưa cây bời lời đỏ vào trồng để tăng thêm thu nhập.
Để chứng minh cho bà con tin cây bời lời đỏ là “cây thoát nghèo”, gia đình ông đã trồng 4ha cây bời lời. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, Pả Lăng thu hơn 7 tấn vỏ bời lời. Với giá vỏ bời lời được thương lái vào tận bản để mua là 8.000 đồng/kg, Pả Lăng có trong tay gần 60 triệu đồng/vụ.
Thấy Pả Lăng làm được, bà con trong bản tin và tìm đến nhà ông để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây bời lời đỏ. Pả Lăng tận tình giảng giải kỹ thuật trồng, chăm sóc và hỗ trợ giống cây bời lời đỏ cho bà con. Vì vậy, đến nay, cả bản Pa Roi đã có 53 hộ đều trồng cây bời lời đỏ. Gần chục năm qua, Pả Lăng cũng đã hỗ trợ hàng nghìn cây giống bời lời đỏ cho bà con dân bản Pa Roi cũng như nhiều bản làng khác trên địa bàn xã A Dơi.
Ngoài trồng cây bời lời đỏ, Pả Lăng cũng là người tiên phong ở bản Pa Roi trong việc trồng 1ha lúa nước; đào 0,8 ha ao hồ để nuôi cá nước ngọt. “Từ trồng lúa nước đến nuôi cá nước ngọt, khi bà con dân bản Pa Roi cần hỗ trợ kỹ thuật thì mình tận tình hướng dẫn cặn kẽ cho bà con. Ngày nào còn sức khỏe và bà con dân bản cần là mình vẫn còn giúp bà con”, Pả Lăng nói.
Cùng với việc đi đầu, làm gương để “kéo” kinh tế-xã hội ở Pa Roi đi lên, Pả Lăng đã không ngại khó, ngại khổ lặn lội đến với các bản làng để vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu. Nhờ đó, bản Pa Roi hiện không còn những hủ tục lạc hậu, tình hình trật tự an ninh luôn được giữ vững.
Chủ tịch UBND xã A Dơi, ông Hồ Xa Cách cho biết: Đối với đồng bào Vân Kiều- Pa Cô ở xã A Dơi nói chung và bản Pa Roi nói riêng luôn dành cho ông những tình cảm trân trọng. Ông là Người có uy tín được nhiều người dân yêu mến. Chính quyền và người dân nơi đây luôn ghi nhận những công lao đóng góp cho nhân dân và cho bản làng. Để cuộc sống của nhân dân có nhiều đổi thay như hôm nay là nhờ một phần công sức đóng góp của Pả Lăng.
MINH THỨ