Những năm qua, Người có uy tín phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua vai trò, tiếng nói của NCUT, một số hủ tục trong vùng đồng bào DTTS đã được bài trừ, tư duy của người dân đã đổi thay.
Ông Lầu Văn Thào thư, Chi bộ Nà Tang, xã Hùng Lợi, (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đã chứng kiến không ít nỗi đau vì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình. Thế nên, khi làm cán bộ thôn, ông luôn coi tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ.
“Mình phải hiểu rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì, hệ lụy của nó ra sao thì mới vận động được. Hơn nữa, cần nhấn mạnh dứt khoát, kiên quyết để đồng bào hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Thào nói.
Ông Thào cho biết, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, ông đã tranh thủ quán triệt đến 100% đảng viên, cán bộ thôn gương mẫu đi đầu trong vận động con em, người thân trong gia đình không vi phạm. Vì vậy, trước đây, mỗi năm cứ 10 cặp vợ chồng lấy nhau thì có 8 cặp tảo hôn, thì nay chỉ còn khoảng 4 - 5 cặp, giảm từ 40 - 50%.
Nỗ lực của ông Thào, cùng rất nhiều Người có uy tín ở các xã Hùng Lợi, Trung Minh (huyện Yên Sơn); Xuân Lập (huyện Lâm Bình) đã góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”.
Kết quả là từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Trung Minh, Hùng Lợi (huyện Yên Sơn) có 214 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp kết hôn đủ tuổi là 159 cặp, số cặp tảo hôn 55 cặp. Số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm không tăng. Xã Xuân Lập (huyện Lâm Bình) có tổng số 109 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp kết hôn đủ tuổi 89 cặp, số cặp tảo hôn 20 cặp, chiếm tỷ lệ 18,3% so với tổng số cặp vợ chồng kết hôn.
Tương tự, xã Quang Trung, huyện Hòa An chỉ cách thành phố Cao Bằng hơn 10km, nhưng địa bàn xã chủ yếu là núi đá, dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Ông Nông Thanh Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, xã có 10 xóm, trong đó có 4 xóm người Mông. Ở đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn tồn tại, nhất là ở những xóm có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống. Theo thống kê của xã, trước năm 2019, mỗi năm Quang Trung có khoảng 3 - 4 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Việc tuyên truyền cho đồng bào về hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có nhiều kênh, nhưng có một kênh quan trọng, đó chính là Người có uy tín truyên truyền đến từng hộ gia đình, làng xóm, cụm dân cư; tuyên truyền thông qua các buổi họp xóm, trong những ngày bà con tập trung để giúp nhau ngày công lao động gặt lúa, trồng ngô… Kết quả là từ khi được Người có uy tín tuyên truyền, các hộ ký cam kết tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay chưa có hộ nào vi phạm và chưa có cặp vợ chồng nào vi phạm.
Chị Nông Thị Hạnh, xóm Pàn Kèng, xã Quang Trung chia sẻ: “Khi được các bác Người có uy tín giải thích, tôi đã nhận thức rõ bản thân, nếu đủ 18 tuổi mới lấy chồng, tìm hiểu rõ ràng mới lấy. Khi cưới rồi thì mình chỉ nên đẻ 2 con thôi. Vợ chồng tôi có 2 con rồi, như thế mới có điều kiện cung cấp cho con ăn học. Trước đây, bố mẹ mình đẻ nhiều cuộc sống vất vả lắm, con cái không được đi học như người ta”.
Có thể thấy, cùng với hệ thống chính trị, già làng, Người có uy tín đã tích cực phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, giúp bà con vùng DTTS được cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn, đầy đủ để từ đó chủ động loại bỏ dần nhiều hủ tục đè nặng lên cuộc sống.