Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than chia sẻ: Để xây dựng nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông, năm 2017, UBND xã đã xây dựng bản cam kết và cụ thể hóa thành nội dung “5 việc phải làm, 5 việc không làm”.
Năm việc phải làm là: thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, giữ gìn an ninh trật tự, truyền thống tổ tiên; phải đến trạm y tế khám bệnh khi ốm đau; tổ chức đám cưới tự nguyện và nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi; tổ chức đám ma tiết kiệm; duy trì các lễ hội truyền thống dân tộc Mông... Năm việc không làm như: không vi phạm các tệ nạn xã hội, đốt phá rừng; không nghe lời kẻ xấu tuyên truyền trái pháp luật; không để người chết quá 2 ngày mới chôn… Ngoài ra, với cá nhân, hộ vi phạm bản cam kết đều bị xử phạt bằng tiền vào quỹ của bản hoặc bình xét tiêu chí gia đình văn hóa vào cuối năm.
Việc xây dựng nội dung thực hiện nếp sống mới của đồng bào Mông được cấp ủy, chính quyền địa phương bàn, thảo luận, xác định những vấn đề trọng tâm, mấu chốt trong xây dựng nội dung về nếp sống mới. Trong đó đặc biệt tập trung vào việc cưới, việc tang, giúp dân tộc Mông bài trừ các hủ tục lạc hậu, không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động, chia rẽ đoàn kết, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng dòng họ, Người có uy tín trong bản họp bàn với người dân và tổ chức thực hiện. Tại mỗi bản, sau khi người dân bàn bạc, thảo luận, thống nhất nội dung, các hộ gia đình đăng ký cam kết về thực hiện nếp sống mới với nội dung “5 việc phải làm, 5 việc không làm” được công khai niêm yết tại từng gia đình để thực hiện.
Qua gần một năm triển khai thực hiện, nhận thức về nếp sống mới trong đồng bào Mông ở Phúc Than từng bước đi vào nền nếp, hủ tục được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Đặc biệt, việc hiếu, hỷ được thực hiện theo đúng cam kết, tránh tình trạng lãng phí, mất công sức, nghi thức rườm rà. Hiện, toàn xã có 1.780 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 18 bản văn hóa, trong đó có 4 bản đạt danh hiệu bản văn hóa 3 năm liền.
Ông Giàng A Tu, Bí thư Chi bộ bản Sắp Ngụa 1, xã Phúc Than cho biết: Ngày trước, khi có người mất đồng bào Mông trong bản thường để trong nhà ít nhất từ 3-5 ngày, sau đó lựa chọn ngày tốt mới đưa đi chôn cất. Gia đình tổ chức đám cưới, nhà gái thường thách cưới cao và tổ chức ăn uống linh đình… Từ khi các hộ trong bản Sắp Ngụa 1 cùng ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới, người chết chỉ để trong nhà một ngày. Thực hiện tổ chức cưới tiết kiệm, việc thách cưới cũng ít hơn; phụ nữ đến tuổi 18 mới xây dựng gia đình, mỗi cặp vợ chồng cam kết sinh đẻ có kế hoạch từ 1-2 con để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn.
Tại bản Nậm Vai, bà con dân tộc Mông cũng thực hiện nghiêm túc nếp sống mới, luôn đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và loại bỏ những hủ tục lạc hậu bao đời nay. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bản sắc của dân tộc Mông được phát huy, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Người dân tập trung trồng lúa, ngô, chè, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước xóa bỏ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ để ổn định đời sống. Hiện, bản có 60/75 hộ đạt gia đình văn hóa, bản đạt danh hiệu bản văn hóa.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện nếp sống mới của dân tộc Mông trong các thôn bản đạt được thành công bước đầu nhờ địa phương đề cao tính dân chủ, thống nhất. Nhờ sự đồng thuận và tích cực tham gia chấp hành bản cam kết nếp sống mới của đồng bào Mông đã góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp sức xây dựng nông thôn mới ở Phúc Than.
VIỆT HOÀNG - MINH THU