Mưu sinh
Những diêm dân ơi ới gọi nhau khi bình minh bắt đầu trên đồng muối Sa Huỳnh. Từ những lối đi trong các thôn nhỏ, những bóng người túa ra trải dài theo bóng nắng với tiếng cười hòa vang trên không gian xanh ngắt của ngày mới. Muối được giá, diêm dân ai cũng mừng vui. Bởi lâu lắm rồi giá muối mới cao đến như thế.
Chiếc nón lá đã sờn quai không đủ để bớt đi cái nắng trưa Hè bỏng rát, ông Tánh (57 tuổi, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) bộc bạch: “Thời gian gần đây, giá muối tăng cao nên diêm dân rất mừng. Hiện nay là 4.000 đồng/kg, nhưng cũng hết muối để bán. Giá cao từ niên vụ năm ngoái tới tận bây giờ”. Niên vụ mới vẫn chưa bắt đầu, trong khi đó sản lượng của niên vụ cũ đã tiêu thụ hết nên dù giá đang ở mức cao, nhiều diêm dân vẫn không còn muối để bán. Theo ông Nguyễn Hữu Chánh, Giám đốc HTX Muối 2 (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), chỉ tính riêng HTX đã bán 1.500 tấn muối với mức cao nhất 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhu cầu thị trường vẫn rất cao, nhưng diêm dân lại không còn muối để bán.
Muối được giá, nhiều diêm dân vui mừng hòa mình trong màu trắng của muối giữa nắng rực lửa và trời xanh ngắt không mây. Những giọt mồ hôi nhỏ xuống đồng muối, chưa kịp chạm đất đã hóa thành khí bay lên vì quá nắng nóng. Với nghề làm muối, 3 giờ sáng họ đã phải thức dậy chuẩn bị đi làm. Đến buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi với bữa ăn vội vã. Ngày qua ngày, những diêm dân gồng mình trên cánh đồng muối để mưu sinh.
Hàng trăm năm qua, nghề muối đã gắn bó với người dân mảnh đất này. Cái nắng, cái gió, vị mặn của muối, cuộc sống của họ đã bện chặt, đã ngấm vào máu thịt của những người dân nơi đây. Vất vả là thế, nhưng những diêm dân ở Sa Huỳnh suốt bao nhiêu năm nay vẫn “bám ruộng muối” để mưu sinh. Giá muối cao khiến khuôn mặt ai cũng bừng sáng vì hy vọng niên vụ mới được mùa, được giá.
Những nụ cười diêm dân
Thông thường, vụ muối Sa Huỳnh kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 mỗi năm, năng suất cao nhất là vào tháng 5 và tháng 6. Để có những hạt muối trắng tinh khiết, diêm dân phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn, phải có những bước chuẩn bị hết sức công phu với những việc cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, nện chắc nền ruộng. Một vụ muối người dân phải mất 1 - 2 tháng để chuẩn bị.
Để sản xuất muối trắng, người dân phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng/1.000 m2 để lót bạt, chưa kể chi phí xăng dầu bơm nước mặn vào ruộng muối, thuê mướn nhân công… Giá muối tăng cao như hiện nay giúp người làm muối có lãi, cải thiện được đời sống.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3 công ty chế biến muối, với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm. Các công ty được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đầy đủ, bảo đảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, muối Sa Huỳnh nổi tiếng là có vị mặn, ngon được nhiều người biết đến.
Cánh đồng muối Sa Huỳnh vẫn là nơi sinh kế của khoảng 2.400 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố là Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1. Muối Sa Huỳnh đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Muối Sa Huỳnh” do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào năm 2011. Đây là điều kiện để diêm dân Sa Huỳnh yên tâm đầu tư phát triển bảo tồn nghề truyền thống.
Theo diêm dân ở Sa Huỳnh nghề sản xuất muối đã giúp nhiều người ở địa phương có cuộc sống khá giả, thoát nghèo trên chính mảnh đất của quê hương. Bà Trần Thị Nhớ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) phấn khởi cho biết, muối hiện tại có giá cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chưa kể, những hạt muối được sản xuất và chế biến theo công nghệ sạch, có vị mặn dịu và nhạt nhất nhưng vẫn giữ nguyên khoáng chất có trong muối biển. Muối Sa Huỳnh vốn đã có thương hiệu, bây giờ bà con diêm dân càng thêm tin tưởng với cách làm mới và đầu ra ổn định khi bán muối. Nhiều người vẫn mong rằng, cánh đồng Sa Huỳnh được bảo tồn nguyên vẹn để chất vị muối Sa Huỳnh sẽ được lưu truyền mãi về sau.