Người Chăm Hroi cư trú chủ yếu ở 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định. Đồng bào theo chế độ mẫu hệ nên tục “bắt chồng”, lễ cúng cưới (Pơ chơrốp) sẽ được tổ chức tại nhà gái.
Trước lễ cúng cưới một ngày, em gái của cô dâu và đại diện nhà gái tới nhà trai để thay cô dâu thực hiện việc “bắt chồng”. Tại đây họ được nhà trai chào đón và chiêu đãi rượu thịt no say đến tận ngày hôm sau. Tất cả bà con làng trên xóm dưới, buôn gần làng xa, anh em họ hàng thân hữu đến chung vui trong buổi lễ Pơ chơrốp. Các lễ vật cho lễ bắt rể gồm: hai ché rượu, một con gà trống, bao gạo... Đội cồng 3, chinh 5, trống đôi của làng hòa tấu bài chiêng Chơ bla (Chào khách) để đón mừng. Cô dâu và các cô gái trẻ múa xoang trong tiếng chiêng chơ bla rộn ràng, vui nhộn.
Theo lễ tục bắt chồng, em ruột hoặc em gái họ của cô dâu sẽ dắt tay anh rể về nhà mình. Dẫn đầu họ nhà trai là ông mai (Chơ no), cha mẹ chú rể và bà con của đại diện họ nhà trai. Khi họ nhà trai đã có mặt ở sân nhà của họ nhà gái thì cô dâu và các cô gái trẻ trong làng múa hát chào đón họ nhà trai. Sau đó chú rể sẽ tự tìm cô dâu của mình trong rất nhiều các cô gái vây quanh. Khi đã tìm thấy cô dâu, chú rể sẽ nắm tay cô dâu bước vào nhà. Lúc này đôi bạn trẻ, ông mai họ nhà trai và cha mẹ của chú rể tiến lại gần bên án cúng. Cha mẹ của cô dâu, ông mai họ nhà gái chờ sẵn để làm lễ. Ông Chơ no họ nhà trai bước lên trước án cúng giới thiệu với họ nhà gái. Sau đó Chơ no của nhà trai cầm tay đôi trẻ áp vào nhau, rồi tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể. Ông Chơ no bên nhà gái cũng đeo vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ, biểu thị sự ưng thuận của cô dâu.
Mọi việc xong xuôi, Chơ no hành lễ cúng và khấn: “Ớ Yàng, cầu mong Yàng ban mọi điều tốt đẹp nhất đến với đôi trẻ. Cưới nhau rồi, sống với nhau đến khi cái tay không cầm được cái rựa; cái chân không trèo được ba ngọn núi, không lội được bảy khúc sông; con mắt không nhìn thấy chim bay trên trời; cái tai không nghe tiếng chiêng giục hội… vẫn không phụ bạc, ớ Yàng”. Khấn xong Chơ no làm phép xin keo cầu mong thần linh chứng giám và ước nguyện thành hiện thực, tung đồng xin keo lên…
Xong việc, Chơ no ra hiệu cho mẹ của cô dâu đem sáp ong tới hơ chân cho chú rể để bày tỏ sự yêu quý và coi trọng con rể. Cha mẹ của chú rể cũng làm lại nghi thức này cho con dâu của mình. Tiếp theo, chú rể rót rượu mời cha mẹ cô dâu và khi ly rượu cạn mới chính thức được gọi cha mẹ. Sau đó, cô dâu cũng làm điều tương tự với cha mẹ chú rể. Kết thúc nghi thức này, Chơ no vui vẻ chứng kiến và chúc mừng: “Hai vợ chồng về chung sống với nhau mong được mát lòng mát dạ như nước suối nguồn, xin thần linh che chở phù hộ cho đôi trẻ yêu thương nhau, biết đồng cam cộng khổ, gắn bó suốt đời”.
Công việc mai mối hoàn thành, hai ông Chơ no hát đối đáp với nhau, hát đến khi nào đối phương không còn có thể đối lại nữa mới thôi… Nghi lễ Pơ chơrôp kết thúc thì cả họ nhà trai và họ nhà gái chiêu đãi khách mời, thanh niên nam nữ hai họ đánh trống k’toang, đánh cồng ba chiêng năm, ca hát, nhảy múa với nhiều động tác hóm hỉnh… Tất cả hòa theo nhịp điệu của bài Chiêng Puiq Pơ chơ rốp. Người làng và họ hàng hai bên ngồi quây quần ăn tiệc, uống rượu, ca hát. Nhà gái mời rượu nhà trai cho đến khi nhà trai uống không được nữa mới thôi. Cô dâu và chú rể cũng phải thức thâu đêm để tiếp chuyện mọi người.
Trước đây, phong tục cưới của dân tộc Chăm Hroi có một vài nghi lễ cầu kỳ, quy định khắt khe. Tuy nhiên, qua thời gian đã được "gạn đục khơi trong" để phù hợp với đời sống hiện đại. Phong tục cưới của đồng bào vừa nghiêm trang, linh thiêng vừa nhân văn, thể hiện quyền tự do yêu đương, tự quyết hôn nhân của đôi lứa hòa hợp trong vai trò của cha mẹ, cộng đồng. Phong tục cưới của người Chăm Hroi với những nghi lễ độc đáo, mang giá trị cộng đồng như một lễ hội của tình yêu, hạnh phúc.