Bà Tẩn Tả Mẩy sinh ra, lớn lên tại thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trong một gia đình có mẹ là người am tường về truyền thống thêu hoa thổ cẩm, thêu trang phục truyền thống. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cây kim, sợi chỉ, tấm vải đã là những vật dụng gắn bó và trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của bà Mẩy.
Bà Mẩy cho hay, không chỉ bà mà tất cả những em gái nhỏ, chị em phụ nữ người Dao đến tuổi tìm bạn đều phải biết thêu trang phục truyền thống, bởi theo phong tục từ ngàn xưa, con gái người Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay thêu được những bộ quần áo đẹp cho mình. Cô dâu biết thêu thùa, may vá thì mới được gia đình nhà trồng coi trọng, yêu thương. Cũng vì lẽ đó mà bà Mẩy cùng các chị em gái trong nhà đã biết cầm cây kim, sợo chỉ để học thêu ngay từ lúc mới 7 tuổi.
Với người Dao xưa kia, thường thì mẹ sẽ là người truyền dạy cho con gái kỹ thuật thêu thổ cẩm, sợi chỉ thêu được se từ cây lanh và muộm những màu cơ bản như: xanh đậm, xanh nhạt, đỏ, cam, vàng theo truyền thống kết hợp với sở thích của từng chị em. Tấm vải nền để sử dụng thêu thường là vải được nhuộm màu đen để những sợi chỉ sắc màu được nổi bật.
Mỗi tấm vải thêu đều mang trong mình một sứ mệnh riêng, đối với bộ quần áo của chị em phụ nữ thì những họa tiết được thêu trên những tấm vải riêng biệt, sau khi thêu xong sẽ được may gắn liền vào các vị trí viền cổ áo, viền tay áo,...
Chị Chảo Mùi Ú, người có tình yêu đặc biệt với những họa tết hoa văn được thêu trên bộ trang phục truyền thống và cũng là học trò xuất sắc của bà Mẩy chia sẻ: Tôi rất tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao quê mình. Từ lời dạy, từ những mũi thêu, tôi biết được tấm vải với những đường chỉ đa sắc màu này chứa đựng tất cả những điều mà người Dao quan niệm về vạn vật xung quanh: phía trên cao nhất là những cây thông sống trong rừng, muông thú, vạn vật xung quanh, những hoạ tiết biểu tượng tâm linh cũng được đưa vào trang phục. Ở trong tấm vải được thêu tỉ mỉ đó còn thêu tượng trưng hình ảnh những em bé trai được thêu bằng sợi chỉ màu đen bên cạnh những bé gái được thêu bằng sợi chỉ màu trắng nổi bật, viền xung quanh là những thửa ruộng bậc thang, những cây rau màu bà con trồng trên ruộng... tượng trưng cho việc lao động sản xuất của đồng bào. Tôi cũng đang cố gắng học để thêu thật giỏi sau này còn dạy lại cho con mình, cháu mình nữa”...
Trên chiếc khăn để quấn thành mũ đội đầu của các chàng trai người Dao trong ngày cưới, hoặc khi làm lễ cấp sắc đều được thêu những khối hình tái hiện cảnh vật thiên nhiên là cây cỏ, hoa lá và hình ảnh đẹp của bông tuyết cũng được các chị, các mẹ khéo léo đưa vào chiếc khăn này. Xưa kia tất cả việc may vá đều nhờ vào đôi bàn tay của chị em phụ nữ. Ngày nay thì chiếc máy khâu đã cùng đồng hành với các chị, việc lắp ráp những tấm thêu vào những chiếc áo, chiếc quần sẽ nhanh hơn nhờ máy móc. Vào các dịp lễ, tết thì các chị, các mẹ sẽ đi may áo mới nhiều hơn để đi du Xuân, ai cũng muốn mình đẹp nhất, nổi bật nhất thông qua những đường nét trên bộ trang phục.
Trước bà Mẩy cũng có người Dao ở nơi khác được mời đến để hướng dẫn cho chị em cách thêu thùa hoa văn truyền thống, nhưng để tiếp nối bản sắc riêng của người Dao Dền Sáng thì bà Mẩy là “người thầy” được các em, các cháu lựa chọn để học tập lâu dài. Chị Chảo Tả Mẩy, một trong những học trò của bà Tẩn Tả Mẩy cho hay: “Ngày trước, mình được mẹ dạy những đường kim mũi chỉ đầu tiên. Sau này khi lớn lên, đi lấy chồng thì cũng học hỏi chị em bên nhà chồng, chị em phụ nữ trong thôn, bản,.. nhưng bền bỉ và học được nhiều nhất là học từ bà Tả Mẩy”.
Các bộ trang phục được thêu hoa văn đẹp mắt thường được người Dao mặc vào các dịp lễ tết, đám cưới, hỏi, đi chơi hội..., đường kim mũi chỉ có đều có đẹp là do mức độ khéo léo của người phụ nữ trong nhà. Chính vì vậy, bà Tẩn Tả Mẩy vẫn duy trì nghề thêu thổ cẩm, may trang phục truyền thống cho chồng, con trai, con gái và cho mình sử dụng trong những dịp trọng đại của gia đình, dòng họ… Bà cho biết: Cuộc sống hiện đại khiến lớp trẻ dần ít quan tâm tới việc học thêu cũng như duy trì nghề thêu và may trang phục dân tộc. Tôi thì rất yêu những bộ trang phục này nên để gìn giữ, bảo tồn nghề thêu thổ cẩm này, vào những dịp lễ tết hay nông nhàn, tôi cùng các chị em trong thôn tập hợp thành một nhóm thường xuyên chia sẻ, trao đổi, chỉ dạy cho nhau các mẫu thêu đã được học, sáng tạo thêm những mẫu mới, đồng thời kêu gọi lớp trẻ tích cực học thêu.
Với bà Mẩy, trong những tấm vải được thêu trên trang phục không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa quan trọng của cả cộng đồng người Dao đỏ ở Dền Sáng. Chính vì vậy, bên cạnh niềm đam mê thì bà có trách nhiệm và nghĩa vụ phải trao truyền lại những kỹ năng thêu thùa, may vá cho con cháu thế hệ sau để nét đẹp truyền thống này được tiếp nối, phát triển.