Theo nghệ nhân Lại Phú Thạch giải thích, giấy sắc phong hay còn gọi là giấy sắc, được làm bởi bàn tay khéo léo của những người thợ trong dòng họ Lại ở làng Cổ Âm xưa (sau này làng Cổ Âm được đổi thành làng Trung Nha cho đến bây giờ). Giấy sắc là loại giấy được vua, chúa sử dụng nhằm mục đích viết các đạo sắc, phong công, phong thần cho quan quân triều đình nên đòi hỏi chất lượng rất cao.
Nghệ nhân Lại Phú Thạch cho biết, tính đến nay, nghề làm giấy dó của họ Lại đã có lịch sử hơn 600 năm. Bản thân nghệ nhân Thạch là đời thứ 26 lưu giữ công thức làm giấy. Dòng họ Lại ngày xưa ở trong thôn rất đông, đa phần ai cũng biết làm giấy dó, nhưng làm được giấy sắc chỉ duy nhất gia đình ông Thạch. Công thức chuyển giấy dó thành giấy sắc, chỉ được lưu truyền qua cách dạy trực tiếp, cha truyền con nối và chỉ truyền cho con trai trưởng trong dòng họ Lại theo phương thức bí truyền.
Giấy dó là nguyên liệu chính để làm nên tờ giấy sắc và phải là loại giấy dó không lẫn tạp chất, trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Theo chia sẻ của nghệ nhân, để làm được giấy dó chuẩn, vỏ cây dó được tách ra, đem ngâm nước vôi loãng, rồi đun cách thủy, phân loại sau đó đem giã bằng cối đá đến khi nhuyễn như bùn mới làm thành giấy. Sau khi có được giấy dó, cần những công thức và cách làm bí truyền của gia đình mới có thể tạo nên tờ giấy sắc. Chính vì vậy, giấy sắc chỉ được cung cấp cho triều đình, không bán ra ngoài. Năm 2008, khi nghệ nhân Lại Phú Thạch phục dựng lại giấy sắc theo yêu cầu của các cụ cao niên trong họ, nhiều người đã ngoài 70-80 tuổi trong làng lần đâu tiên mới được biết đến giấy sắc.
Cũng bởi nghề làm giấy chỉ truyền cho con trai trưởng trong dòng họ, nên tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại nghệ nhân Thạch nắm vững bí quyết làm giấy sắc. Từng có thời gian nghề gia truyền này đã bị gián đoạn bởi chiến tranh. Đến năm 2008, mặc dù còn nhớ những bước làm, nhớ công thức, nhưng phải trải qua rất nhiều lần làm thử, nghệ nhân Lại Phú Thạch mới phục dựng thành công được giấy sắc đúng chất lượng và hoàn chỉnh như giấy sắc các cụ trong dòng họ làm ngày trước đã làm.
Khó khăn, vất vả lưu giữ nghề gia truyền của dòng họ, nhưng những người đặt làm giấy sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm chỉ có vài ba khách là cá nhân, ban quản lý đình chùa có sắc phong nhưng bị hư hỏng, tìm đến nghệ nhân Thạch để phục dựng lại những văn kiện xưa. Thông qua những văn tự các cụ để lại, qua những văn bản Viện Hán nôm lưu giữ, nhờ bàn tay của nghệ nhân Lại Phú Thạch, nhiều bản sắc phong đã được phục dựng như mới.
Khi được hỏi về cách lưu giữ nghề, nghệ nhân Thạch trăn trở, lo sẽ chẳng còn ai tiếp nối ông giữ nghề nữa, bởi “để làm được giấy sắc mất rất nhiều công đoạn, mà làm ra chẳng bán được cho ai vì không phải ai, cũng có thể dùng được giấy sắc này”, ngay cả con trai của nghệ nhân cũng không còn tha thiết với nghề trước thời buổi kinh tế thị trường hiện nay…
PHƯƠNG NGHĨA HIỆP