Nếu các họa sĩ có “chân dung tự họa” thì nghệ nhân điêu khắc gỗ Clâu Bh’Lao lại sáng tác một bức “chân dung tự chạm khắc”, lấy cảm xúc, ý tưởng từ chính bản thân của mình. Bức tượng gỗ mô tả một người đàn ông ở tuổi trung niên, đầu đội mũ phớt, lưng đeo gùi 3 ngăn (tà lét), tay phải cầm cuốc nhỏ, tay trái cầm rựa, trên vai phải đeo túi thuốc với chữ thập đỏ y tế. Tác phẩm trưng bày ở gian triển lãm của xã Tr’Hy. Cô gái trẻ ở Xã đoàn đọc lời thuyết minh về các bức tượng gỗ trước Ban Giám khảo với nhiều cung bậc cảm xúc và tự hào về người nghệ nhân đã có nhiều công lao đối với quê hương Tây Giang.
Còn nhớ 35 năm trước, có một người đàn ông Cơ Tu ở thôn Voòng (xã Tr’Hy, huyện Tây Giang) làm nên một kỳ tích: phóng tuyến mở đường để rút ngắn thời gian đi bộ từ Khu 7 đến xã Lăng, huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang) từ 4 ngày xuống còn 1 ngày. Người Cơ Tu làm nên kỳ tích ấy là ông Clâu Bh’Lao, khi ấy đang làm cán bộ y tế kiêm thông tin liên lạc cho các xã Khu 7 là Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry.
Con đường dân sinh trước kia, đồng bào phải đi qua dốc Pa Dĩ dài thăm thẳm và dốc đứng cheo leo, mất nhiều thời gian và vất vả. Thấy được nỗi cực nhọc của bà con, ông Clâu Bh’Lao nảy ra ý tưởng mở một tuyến mới. Ông đã nhiều lần leo lên cây cao dùng vải đỏ, vải trắng buộc vào ngọn cây để “làm dấu” và dùng đôi mắt của mình để “phóng tuyến”, cân bình độ giữa hai mõm núi rồi leo xuống dưới đất bẻ lá, chặt cành cây vạch lối đi.
Sau khi hoàn thành việc phóng tuyến, ông về báo cáo kết quả với chính quyền địa phương nơi cư trú. Xã Tr’Hy đã cử 10 thanh niên theo chân ông đi phát tuyến, cắm mốc để chuẩn bị việc mở đường. Hàng nghìn lượt người từ già đến trẻ ròng rã đào núi, lấp suối suốt 4 tháng trời, con đường từ Khu 7 nối với xã Lăng được hình thành. Con đường mới rút ngắn quãng đường, lại ít dốc, không còn phải chui luồn vào rừng rậm. Việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu của bà con từ huyện về Khu 7 thuận tiện hơn. Người Cơ Tu trong vùng quen gọi con đường này là “Đường Clâu Bh”Lao” và người dân trong vùng tôn vinh ông là “huyền thoại mở đường”.
Cũng thời đó, với vai trò là Trưởng ban Y tế xã, ông cũng tận tình chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Với túi thuốc trên vai, ông đã đến nhiều gia đình cấp thuốc, chữa bệnh cho bà con. Có một lần, ông đã trực tiếp đỡ đẻ cho một sản phụ đang vượt cạn trong tình thế nguy khó.
Ngoài việc đảm trách giao liên, y tế thôn bản, nghệ nhân Clâu Bh’Lao lại là một người đa năng. Năng khiếu nghệ thuật nổi trội nhất của nghệ nhân Clâu Bh’Lao là tạc tượng gỗ. Ông là một nghệ nhân sáng tác các tác phẩm điêu khắc gỗ nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam đến thời điểm hiện nay. Những bức tượng tròn nhiều chủ đề khác nhau được ông sáng tạo để trang trí cho nhà làng truyền thống ở thôn Voòng, nơi ông sinh sống. Đây là những tác phẩm điêu khắc có hồn như người già, cô gái và chàng trai múa điệu Tân tung da dá. Tác phẩm điêu khắc ấn tượng “Giã gạo” do ông sáng tạo được đặt tại khu du lịch đỉnh Quế, huyện Tây Giang.
Ông cũng có nhiều tác phẩm điêu khắc tham gia dự thi Trại điêu khắc gỗ dân gian do huyện Tây Giang tổ chức nhân các sự kiện lễ hội truyền thống. Bộ sưu tập điêu khắc gỗ của nghệ nhân Clâu Bhlao được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng văn hóa Cơ Tu huyện Tây Giang.
Ngoài khả năng điêu khắc gỗ, nghệ nhân Clâu Bhlao còn là người am hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu như lễ hội, tập quán, hát lý, nói lý... Lễ hội Khai năm tạ ơn rừng, Lễ hội Mừng lúa mới do làng và huyện tổ chức, ông và các già làng, Người có uy tín trong vùng được cử đứng ra thực hành các nghi lễ.
Nghệ nhân Clâu Bhlao cũng là người chế tác nhiều bộ trang phục bằng vỏ cây. Bộ trang phục này được các nghệ nhân mặc trong các lễ hội, thực hành các lễ nghi và trình diễn các điệu múa, biểu diễn nhạc cụ. Về nhạc cụ, ông là người chế tác được cây đàn âng jưl, đàn 2 dây có thùng cộng hưởng mà các chàng trai hay chơi độc tấu hoặc đệm cho các cô gái hát những khúc dân ca trữ tình.
Từ thời còn xuân trẻ đến lúc trở thành già làng, Clâu Bh’Lao đều có những hoạt động đóng góp đầy ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là những việc làm thiết thực phục vụ cho cuộc sống của bà con vùng cao như mở đường, dân y... Bên cạnh đó, với tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, yêu cuộc sống của một nghệ sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Clâu Bh’Lao đã dâng hiến những tác phẩm điêu khắc thấm đẫm chất nghệ thuật, cái hồn cốt của đồng bào Cơ Tu ở đại ngàn Trường Sơn.