Nghề “hái ra tiền"
Tháng 12, cà phê Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch chính, không khí vụ mùa rộn ràng từ vườn rẫy đến các nẻo đường. Từ sáng sớm, những đoàn xe cày nối đuôi nhau lăn bánh lên rẫy bắt đầu ngày làm việc mới. Tranh thủ thu hoạch, phơi sấy khi giá cà phê đang ở mức cao, nhiều hộ gia đình thuê nhân công hái khoán, tiền công trả theo khối lượng cà phê hái được. Sự kết hợp này vừa giúp chủ vườn thu hoạch nhanh chóng, vừa cho người lao động có khoản thu nhập khác.
Đôi tay thoăn thoắt tút những cành cà phê trĩu quả, anh Y Yoar Niê (SN 1998), trú xã Ea Hding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Gia đình tôi không có đất sản xuất, vợ chồng tôi đi làm thuê quanh năm để trang trải cuộc sống. Ai kêu gì làm đó, đồng công trả theo ngày chẳng đáng là bao, gia đình tôi vẫn chưa thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Mùa thu hoạch cà phê năm nào vợ chồng tôi cũng đi hái thuê, năm nay cà phê lên giá, các chủ vườn thuê khoán giá cao hơn, mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm ngót một triệu đồng.
Hấp dẫn bởi mức thu nhập từ việc hái cà phê khoán, anh Nguyễn Văn Lợi, trú thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar tạm gác lại công việc thợ xây dựng của mình tranh thủ thời gian mùa vụ đi hái cà phê khoán. Nhờ sự dẻo dai của tuổi trẻ, mỗi ngày anh hái được từ 3-4 tạ cà phê tươi, mang về thu nhập hơn 500.000 đồng, có những ngày anh nhận đến 900.000 đồng.
Anh Lợi chia sẻ: Để đạt được mức thu nhập cao từ việc hái cà phê khoán, thợ hái cà phê phải quen tay, có kỹ thuật, thao tác nhanh nhẹn và tận dụng tối đa thời gian làm việc, kể cả buổi trưa. Vì thế, người nhận hái cà phê khoán đều nấu cơm mang theo hoặc mua bánh chưng để ăn tại rẫy, tiết kiệm thời gian tranh thủ hái, khối lượng càng nhiều tiền công càng cao.
Mang lại nguồn thu nhập khá, song nghề hái cà phê cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ bị rắn lục tấn công. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân trú tại buôn Dhung, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar cho hay: Rắn lục thường trú tại các cành cây, bụi rậm và có màu xanh giống như lá cây, rất khó để phát hiện. Nếu không chú ý kỹ lưỡng, người hái cà phê nguy cơ bị rắn cắn là rất cao.
Ngoài ra, trong mùa thu hoạch cây cà phê thu hút nhiều loại kiến gây khó chịu và ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy, nhiều hộ dân thường xịt thuốc diệt kiến trước khi thu hoạch cà phê khoảng 10 ngày, tránh tình trạng kiến cắn và hạn chế bị rắn lục tấn công.
Tăng cường công tác quản lý
Bên cạnh những nhà vườn thuê người hái cà phê khoán, không ít hộ gia đình lại chọn hình thức tìm lao động trả thù lao theo ngày, nhất là những vườn cà phê kém năng suất. Song việc tìm kiếm người hái thuê theo hình thức này không hề dễ dàng.
Bà Huỳnh Thị Thảo, trú xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho hay: Năm 2024, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, nhiều vườn cà phê giảm sản lượng, nên khi kêu công hái cà phê khoán ngươi lao động không nhận. Bởi năng suất kém, quả thưa thì hái khoán, tiền sẽ không cao. Không ít gia đình phải đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội và qua nhiều kênh thông tin để tìm người hái cà phê trả công nhật, nhưng nhiều người từ chối đến địa phương khác hái cà phê khoán.
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam, với diện tích 212.106ha, trải rộng khắp 15 huyện, thị xã, thành phố. Sản lượng hằng năm đạt hơn 520 nghìn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước, nhu cần nhân công hái cà phê rất lớn. Vì vậy, việc quản lý lao động, việc làm trong mùa thu hoạch cà phê cần tăng cường.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác quản lý lao động, việc làm trong mùa thu hoạch cà phê năm 2024.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt, tổng hợp thông tin về nhu cầu thuê lao động và số lao động ngoài tỉnh đến thu hoạch cà phê của các hộ gia đình trên địa bàn.
Tổng hợp số lượng nhu cầu thuê mướn lao động của người dân, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động. Không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, “đứt, gãy” lao động làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê của người dân.
Đề nghị Công an cấp huyện phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường công tác quản lý hành chính về cư trú nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Tuyên truyền, vận động người dân tăng cường công tác bảo vệ, quản lý tài sản của mình tránh tình trạng trộm cắp cà phê và các tài sản khác. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm về cư trú làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, thường xuyên liên hệ với các địa phương, đơn vị có liên quan; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố lân cận, các tỉnh có lực lượng lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhằm đảm bảo đủ số lượng lao động theo nhu cầu của người dân để thu hoạch cà phê…