Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An, có đồng bào DTTS chiếm 30,13%, riêng dân tộc Thổ chiếm 18,21%. Người Thổ đã định cư, sinh sống lâu đời tại các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ và hiện còn lưu giữ nhiều tri thức bản địa có tiềm năng trong khai thác phát triển du lịch như y học dân gian, ẩm thực, thủ công truyền thống, dân ca dân vũ…
Trước thực tế đó, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, đã chọn xã Nghĩa Lợi để xây dựng mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ nhằm khai thác các giá trị văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc Thổ vào hoạt động du lịch. Xây dựng điểm đến tham quan đầu tiên của người Thổ Nghệ An trong hệ thống tour du lịch miền Tây Nghệ An.
Đến với xã Nghĩa Lợi, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa, nghề đan võng gai truyền thống; thưởng thức làn điệu dân ca, dân vũ và những món ăn đặc sản của đồng bào Thổ…
Hội thảo đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi đưa yếu tố văn hoá vào mô hình du lịch của vùng đồng bào Thổ; những vấn đề đặt ra khi xây dựng tour, tuyến dựa trên yếu tố văn hoá đặc trưng của đồng bào Thổ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn; cũng như hướng truyền thông, khai thác phát triển tour, tuyến thu hút khách du lịch về miền Tây Nghệ An nói riêng, huyện Nghĩa Đàn nói chung.
Nhiều ý kiến tại hội thảo, đã đề cập đến sự cần thiết phải bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Thổ, các giá trị văn hóa đặc trưng như kiến trúc nhà ở, bản sắc âm nhạc, ẩm thực và các tri thức bản địa để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng. Quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, hướng tới tính chuyên nghiệp; chủ động kết nối và truyền thông, quảng bá để thu hút khách du lịch.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng, để thực hiện thành công mô hình du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Thổ, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, đoàn kết của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng; xác định đúng khách hàng mục tiêu để phục vụ hợp lý; thống nhất quy hoạch về điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng; liên kết các điểm đến liên xã và liên huyện, tạo thành tour du lịch với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề cập đến việc, phát huy tối đa nguồn lực từ chương trình MTQG 1719, trong đó có dự án 6 về phát triển du lịch để nâng chất du lịch văn hóa dân tộc Thổ có chiều sâu, có bề rộng hơn.