Tại Việt Nam
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam là ngày 1/6/1950, trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Thiếu niên, nhi đồng, những thế hệ măng non của đất nước luôn được Bác Hồ quan tâm và chú trọng. Hiện nay, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 được tổ chức hàng năm, đã trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.
Tại Nhật Bản
“Kodomo no Hi” là tên gọi cho ngày Tết thiếu nhi của Nhật Bản. Vào ngày 3/3 và 5/5 hàng năm (tháng 3 là các bé gái và tháng 5 dành cho các bé trai), người dân xứ mặt trời mọc sẽ tổ chức Lễ hội Tuần lễ vàng để tôn vinh trẻ em và mừng chúng sẽ luôn được hạnh phúc.
Ngày 3 tháng 3 còn được gọi là Lễ hội Búp bê, người Nhật trang trí các căn hộ gia đình của họ với bộ búp bê thời kỳ Heian truyền thống và hoa mận, hoa mơ hoặc hoa đào và uống Amazake (một thức uống truyền thống ngọt, ít cồn của Nhật Bản được làm từ gạo lên men). Vào ngày 5 tháng 5, còn được gọi là tango-no sekku, Lễ hội nam sinh, họ treo “cờ cá chép Koinobori” ở bên ngoài, trưng bày những con búp bê Samurai, và ăn bánh kashiwa mochi và chimaki.
Tại Trung Quốc
Trung Quốc tổ chức Tết thiếu nhi vào 1/6 hàng năm. Tại ngày này hoặc trước một ngày, các trường thường tổ chức các hoạt động khác nhau. Chẳng hạn như các buổi biểu diễn cho trẻ em, hội trại, liên hoan âm nhạc, các trò chơi dân gian... Ở Trung Quốc, trẻ em sẽ được nhận quà. Hầu hết các sân chơi đều có giá ưu đãi và chuẩn bị quà Tết thiếu nhi ngay trong ngày. Trẻ em dưới 14 tuổi tại Trung Quốc được nghỉ học vào ngày Tết Thiếu nhi.
Đài Loan và Hồng Kông lấy ngày 4 tháng 4 là Ngày Thiếu nhi. Điều này là do vào năm 1931, Chủ tịch Chính phủ Quốc gia Nam Kinh đã đề xuất trong Hiệp hội Từ thiện Trung Quốc chỉ định ngày 4 tháng 4 là Ngày Thiếu nhi. Truyền thống này vẫn được duy trì sau năm 1997. Tuy nhiên, ở Hồng Kông, Ngày thiếu nhi không phải là ngày lễ, họ chủ yếu ăn mừng bằng cách gửi đồ chơi hoặc quà cho trẻ em hoặc đưa chúng đi ăn tối hoặc đi chơi. Còn tại Đài Loan tổ chức kỷ niệm ngày phụ nữ cùng với ngày trẻ em vào ngày 4 tháng 4 từ năm 1991 với tên gọi: “Ngày lễ tổng hợp của Phụ nữ và Trẻ em”. Từ năm 2011, Tết Thiếu nhi được khôi phục thành ngày lễ quốc gia, cả nước được nghỉ một ngày.
Tại Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ không có ngày Thiếu nhi riêng cố định ở cấp quốc gia mà thường được tổ chức chung trong các Ngày của Mẹ, Ngày của Cha hoặc thay đổi theo thời kỳ. Từ năm 1856, linh mục Charles H. Leonard chọn ngày Chủ nhật thứ hai trong tháng 6 là ngày trẻ em Kitô giáo tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Bill Clinton đã tổ chức Ngày Thiếu nhi vào ngày 11 tháng 10 năm 1998 để đáp lại một lá thư yêu cầu của một cậu bé sáu tuổi muốn có ngày của trẻ em. “Ngày trẻ em quốc gia” đã được Tổng thống George W. Bush công bố là ngày 3 tháng 6 năm 2001 và trong những năm tiếp theo vào ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng Sáu.
Tại Ấn Độ
Ngày Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 14 tháng 11, vào ngày sinh nhật của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập. Sau khi ông qua đời vào ngày 27 tháng 5 năm 1964, sinh nhật của ông được chọn là Ngày Bal Diwas hoặc Ngày thiếu nhi ở Ấn Độ.