Mỳ Chũ vươn xa…
Mỳ gạo được sản xuất tại nhiều nơi, nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay chỉ có sản phẩm mỳ Chũ Lục Ngạn xây dựng được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Địa bàn sản xuất mỳ Chũ nhiều nhất là làng Thủ Dương, xã Nam Dương. Nguyên liệu chính để làm ra mỳ Chũ là gạo bao thai hồng - một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm, dẻo, được trồng trên vùng đất đồi địa phương.
Những năm gần đây, người dân làng nghề đã có nhiều cố gắng trong cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng máy móc thiết bị hiện đại để làm hài lòng khách hàng, đồng thời nâng cao năng suất cho làng nghề. Nhiều hộ sản xuất đã thay thế lò đốt than, củi tráng bánh bằng lò gas, tạo ra sản lượng tăng gấp 3 lần so với lò than, củi, lại hạn chế bụi bẩn, ô nhiễm.
Không chỉ sản xuất các sản phẩm thủ công mỳ trắng truyền thống, một số HTX tại Nam Dương đã cho ra đời sản phẩm mỳ rau, củ, quả được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt mới đây, HTX Mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương, xã Nam Dương đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Sài Gòn tiêu thụ 3,5 tấn mỳ Chũ rau, mỳ rau củ, quả để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Giá tiêu thụ sản phẩm là 55 nghìn đồng/kg, cao hơn so với đơn hàng cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước từ 5-10 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm mỳ rau, củ, quả gồm: Mỳ gạo lứt, mỳ vừng, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền, mỳ chùm ngây, khoai lang vàng… Toàn bộ sản phẩm trên được làm từ gạo bao thai hồng và rau, củ, quả trồng theo phương pháp VietGAP; quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỳ được đóng gói bao bì đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, cuối năm 2020, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường cũng tại Thủ Dương cũng xuất khẩu 12 tấn mỳ Chũ sang thị trường Nhật Bản. Hiện, đơn vị này đang hoàn thiện một số thủ tục với đối tác để xuất khẩu 3 tấn mỳ Chũ sang thị trường Hồng Kông.
Giữ gìn thương hiệu
Chủ nhiệm HTX Mỳ Chũ Phạm Xuân Trường cho biết: Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai, người thợ phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Quá trình hoàn thành một mẻ mỳ sợi từ lúc đãi gạo, vo sạch, ngâm ủ, xay bột, tráng bánh, phơi khô, thái sợi đến khi bó cuộn, đóng gói hết ít nhất 36 tiếng đồng hồ (nếu trời nắng) với 3 lao động.
Nếu như trước đây, người dân thôn Thủ Dương thường đem mỳ ra khu vực bến đò thị trấn Chũ bán cho các thương lái vận chuyển đến mọi miền thì nay sản phẩm đã đi máy bay, có mặt trên kệ hàng của nhiều hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Huyện Lục Ngạn hiện có 23 HTX với khoảng hơn 1 nghìn hộ sản xuất mỳ gạo, tập trung nhiều ở các xã: Nam Dương, Trù Hựu, Thanh Hải… Điển hình như: HTX Mỳ gạo Chũ Xuân Trường, HTX Mỳ Chũ Dậu Anh, HTX Mỳ Trại Lâm, HTX Sản xuất mỳ Chũ Hạnh Thái... Nếu như trước đây, mỳ chỉ ở dạng trắng thô đơn thuần với mẫu mã đơn giản thì nay những người nông dân nơi đây đã có nhiều cải tiến hình thức cũng như chất lượng sản phẩm. Trong đó có việc sản xuất ra các loài mỳ rau, củ, quả tự nhiên giàu giá trị dinh dưỡng và bắt mắt.
Để sản xuất ra loại mỳ này, nguyên liệu chính vẫn là gạo bao thai hồng cùng rau, củ, quả tươi. Những hạt gạo trắng, căng mẩy được đưa vào ngâm qua đêm cho mềm. Sau đó rau, củ, quả gọt vỏ, xay sinh tố hoặc nghiền lọc bỏ bã lấy nước màu, tiếp tục ngâm với gạo từ 1 đến 2 tiếng theo tỷ lệ nhất định. Hỗn hợp này được đem xay thành bột sao cho dẻo và sánh. Theo đó, mỗi loại rau, củ, quả trộn với gạo cho ra sản phẩm mỳ với màu sắc khác nhau: Nghệ màu vàng, gấc màu đỏ, hoa đậu biếc màu xanh tím than, củ dền hồng, rau chùm ngây ra màu xanh lá, mè đen, hạt điều, gạo lứt ra màu nâu nhạt... Sản phẩm được kiểm định chất lượng ở các cơ quan có thẩm quyền và được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trung bình mỗi tháng một cơ sở sản xuất tại Thủ Dương đưa ra thị trường từ 7 đến 10 tấn mỳ thành phẩm. Đây còn là sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến với xứ vải thiều Lục Ngạn.
Được biết, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho mỳ Chũ. Nhờ được đầu tư máy móc tráng liên hoàn, máy thái mỳ giúp nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, khép kín; nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng. Hiện nay, làng nghề mỳ Chũ có hơn 300 hộ sản xuất mỳ gạo (chiếm tới 85% số hộ trong làng). Trong đó, chủ yếu các hộ tham gia cùng các HTX trong chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên không lo đầu ra. Thị trường tiêu ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng nghề, nhiều hộ dân, HTX đã trở nên khá giả và quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông.