Cây thạch đen là loài cây bản địa được trồng từ lâu ở tỉnh Lạng Sơn, trong đó tập trung ở địa bàn các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích từ 2.000 - 3.000 ha. Cây thạch đen cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với thạch đen huyện Tràng Định.
Đến nay, vùng trồng cây thạch đen trên địa bàn tỉnh được mở rộng lên 3.000 ha, tăng 37% so với năm 2020, sản lượng đạt 16.000 tấn. Cây thạch đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định; Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với Thạch đen huyện Tràng Định; 121 vùng trồng thạch đen được cấp mã số vùng trồng với diện tích khoảng 600 ha; 4 cơ sở đóng gói thạch đen được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá và phê duyệt cấp mã số đóng gói; tổng lượng sản phẩm thạch đen xuất khẩu thô sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Lạng Sơn đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh cây thạch đen mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con nông dân biên giới tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Cây thạch đen đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ đạo sản xuất thành hàng hóa vùng tập trung, tăng sản lượng cây trồng. Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 10 nghìn ha/năm, sản lượng 60.000 tấn.
Tháng 12/2020, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội mở rộng vùng sản xuất chuyên canh bởi Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây thạch đen trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được rộng rãi nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư; chưa có cơ sở sản xuất giống cây thạch đen; việc thu hoạch, bảo quản còn thủ công…
Để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thạch đen, tỉnh Lạng Sơn mong muốn cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy chế biên tại chỗ, phát triển vùng nguyên liệu theo chuổi khép kín; hỗ trợ kết nối tiêu thụ cũng như chế biến sâu; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây thạch đen để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong thời gian tới, các địa phương trồng thạch đen trong đó có tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục tổ chức sản xuất, trồng có hiệu quả; chú ý đến việc quy hoạch diên tích, tăng cường truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thạch đen hàng hóa; đẩy mạnh nghiên cứu bảo quản thạch để kéo dài thời gian sử dụng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm…
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, thị trường tiêu thụ của thạch đen đang được mở rộng cả trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, đối với thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đồng hành cùng tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đa dạng các hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm thạch đen qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử...