Từng là dân chuyên Toán, nhưng cô Bùi Thị Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, TP. Hà Tĩnh lại rất yêu Kiều. Chính vì mê Kiều, cô Lan khiến tôi rất bất ngờ khi chia sẻ: Mình thuộc làu 3.254 câu Kiều đấy.
Và khi tôi đang trố mắt ngạc nhiên trước một người phụ nữ 68 tuổi có trí nhớ tuyệt vời ấy, cô lại “lẩy” Kiều bằng giọng âm vang đậm chất miền Trung của mình. Rất “nhập hồn”, trích đoạn Hoạn Thư ghen được cô “lẩy” không khác gì một nghệ nhân dân gian thực thụ.
Cô Lan giải thích: "Trò Kiều là hình thức hát, diễn xuất và làm trò với những nội dung là những điển tích, điển cố trong Truyện Kiều. Còn vịnh Kiều, bình Kiều mang đậm màu sắc của giới trí thức nho học. Trong khi đó, ngâm Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều mang đậm màu sắc dân gian, thu hút được số đông mọi tầng lớp Nhân dân tham gia".
Cô Lan nói về những câu Kiều, về thân thế và sự nghiệp sáng tác của cụ Tiên Điền, giảng nghĩa nhiều điển cố, điển tích… có lẽ còn rành rẽ hơn cả “dân chuyên Văn”. Lắm lúc, cô còn “giận Kiều, trách Kiều”, rồi so sánh: Kim Trọng yêu Kiều nhiều hơn cả Kiều yêu Kim Trọng. Cứ như Kiều là một cô gái nào đó rất đỗi thân quen trong cuộc sống đời thường của cô vậy.
Đang say sưa theo những câu Kiều, cô Lan hỏi tôi: Cậu có biết vì sao tôi thuộc được cả truyện Kiều không? Không đợi tôi trả lời, cô Lan đã giải thích: Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về truyện Kiều từ năm 2017, đó là thời gian sau khi ra viện. Tôi thấy rằng, chỉ đam mê thôi chưa đủ, còn phải có phương pháp nữa. Tôi đã tự tay chép trọn vẹn 3.254 câu Kiều rồi đánh dấu số câu ở ngoài lề để vừa nhớ số câu vừa thuộc nội dung.
Từ thở ấu thơ, cô đã được đắm mình trong tiếng hát ru của bà, của mẹ. Có lẽ vì thế, truyện Kiều đã có chỗ đứng rất riêng trong sâu thẳm nội tâm, trở thành một phần cuộc sống của riêng cô. Cô Lan cười: Mình chỉ giỏi toán thôi, các bài văn đều điểm kém. Nhưng riêng nhưng bài viết về truyện Kiều thì điểm rất cao. Có lẽ do đam mê và yêu mến truyện Kiều từ nhỏ.
Năm 2020, Kỷ niệm 255 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam phát động rộng rãi trong toàn quốc cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”. Ở Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân hưởng ứng đầu tiên với đông đảo người mê Kiều trong và ngoài tỉnh tham gia. Cô Lan đăng ký và trở thành người đạt giải xuất sắc. Tiếp đó, cô được lựa chọn là một trong những gương mặt sáng giá tham gia cuộc thi toàn quốc.
Trong Truyện Kiều, chỉ thấy những câu tả Thúy Kiều khóc. Câu nào tả Thúy Kiều cười? Câu hỏi khó ấy của Ban Giám khảo cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” toàn quốc đã khiến nhiều người bó tay. Nhưng cô Lan lại khiến cả hội trường thán phục bằng một câu trả lời không thể nhanh và chính xác hơn: “Đến bây giờ mới thấy đây. Mà lòng đã chắc những ngày một hai. Cùng nhau trông mặt cả cười. Dang tay về chốn trướng mai tự tình”.
Phần thưởng xứng đáng mà cô “rinh” về là tấm giấy chứng nhận người đạt giải xuất sắc cuộc thi. Cô Lan cũng đã cung cấp thêm một thông tin khiến chúng tôi càng bất ngờ hơn: Cuộc thi có 1 người đạt giải đặc biệt xuất sắc, 3 người đạt giải xuất sắc thì tất cả đều là những người theo học và gắn bó nghề nghiệp với khối tự nhiên. “Điều đó càng minh chứng rằng, chỉ khi chúng ta thực sự yêu, say mê thì chúng ta mới có được những thành công đúng nghĩa”, cô Lan trải lòng.
Căn nhà của gia đình cô Bùi Thị Lan giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc với rất nhiều người ở tổ dân phố 4, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh. Ở đấy còn là nơi thường ngày cô và những người có cùng đam mê say sưa ngâm, “lẩy” Kiều mà không hề cảm thấy ưu tư, phiền muộn...