Gió lốc khiến nhiều cây cối gãy đổ, một số công trình hạ tầng, nhà văn hoá bị tốc mái. Ảnh: Báo Lào CaiMưa lớn làm 1 người mất tích, 438 ngôi nhà tốc mái
Trước đó ngày 10/5, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có báo cáo nhanh về tình hình diễn biến thiên tai.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lai Châu, Bình Dương, tính đến 19h ngày 10/5, mưa lớn, dông lốc từ đêm 09-10/5 đã gây thiệt hại làm 1 người mất tích (Bình Dương), nghi do nước cuốn trôi lúc 8h sáng nay. Đến 18h30 chiều nay vẫn chưa tìm thấy.
Về nhà ở, 438 nhà hư hỏng, tốc mái (Lào Cai 28, Tuyên Quang 42, Hòa Bình 11, Lai Châu 375); Về nông nghiệp có 31ha hoa màu (Tuyên Quang); (Lai Châu) mưa lớn kèm dông lốc đã làm thiệt hại 375 ngôi nhà. Trong đó có 7 nhà sập hoàn toàn; thiệt hại gần 100ha lúa, 95ha ngô, 5ha rau màu; 4 cột điện bị gãy, đổ ảnh hưởng mất điện 6/12 xã của huyện Than Uyên; 1 trường mầm non bị tốc mái một phần; 2 trường học bị đổ tường rào, tốc mái; 4,48ha ao cá, 105 ha diện tích đất nông nghiệp (Bình Dương) bị chịm trong nước. Tại TP.HCM, Bình Dương ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường, khu dân cư. Hiện nay các địa phương đang tiếp tục cập nhật thiệt hại, tổng hợp báo cáo.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi động viên gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống.
Một số nơi ghi nhận lượng mưa trên 100mm như Vĩnh Phúc (Hà Giang) 141mm, Hùng Đức (Tuyên Quang) 140mm, Do Nhân (Hòa Bình) 152mm, Sơn Tây (Hà Tĩnh) 159mm, Cát Tiên (Lâm Đồng) 120mm, La Ngà (Đồng Nai) 154mm, Đức Hòa (Long An) 130mm, riêng Củ Chi (TP.HCM) ghi nhận lượng mưa lên đến 230mm trong chưa đầy 24 giờ.
Hàng trăm ha lúa vụ xuân ở Hà Tĩnh bị đổ ngã, nhiều nhà dân bị tốc mái do mưa lớn. Ảnh: TLCơ quan khí tượng cảnh báo tác động và khuyến nghị phòng tránh khi có mưa lớn:
Đối với người dân: Tránh ra ngoài trời trong thời điểm có dông, sét. Đặc biệt lưu ý không trú mưa dưới gốc cây, gần cột điện hoặc các vật dụng kim loại. Gia cố nhà cửa, mái tôn, biển quảng cáo đề phòng gió giật mạnh. Chủ động kê cao đồ đạc tại các vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng.
Đối với giao thông: Các tuyến đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá lăn do mưa lớn liên tục. Ngập úng đô thị có thể xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh… gây ách tắc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện nên hạn chế đi lại trong thời điểm có dông lốc hoặc mưa to kéo dài.
Đối với sản xuất nông nghiệp: Diễn biến mưa lớn đột ngột có thể làm dập nát hoa màu, ngập úng lúa. Người dân cần kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại.