Tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ dân gian tới cung đình, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người Việt quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự cũng mời ăn trầu. Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau. Trong ngày tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Cau thờ phải chọn trái cau xanh, to, cùi dày, vỏ mỏng. Trầu chọn lá trầu xanh, to không bị rách. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc xuân đầu năm.
Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng-vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.
Ăn trầu là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, một “mỹ tục” của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay, nét văn hóa đậm chất quê này đang có xu hướng mai một. Sự mai một ấy tuân theo quy luật phát triển của xã hội nhưng tục ăn trầu vẫn sẽ là một phong tục đẹp tồn tại trong tâm thức người Việt hôm nay và mãi về sau.
SÔNG LAM