Các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Các sông chính từ Nghệ An đến Huế, ở Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; sông nhỏ lên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên. Cảnh báo tình trạng ngập lụt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định đã có công điện gửi các sở ngành, địa phương triển khai ứng phó với siêu bão Goni và tình hình mưa lũ sau bão. Riêng Bình Định đã có công điện cấm biển, không cho tàu cá xa bờ (chiều dài tàu từ 15m trở lên) ra khơi từ 14 giờ ngày 02/11.
Các địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; tiếp tục ứng phó với mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành: Thực hiện nghiêm các Công điện số: 1500/CĐ-TTg, 1503/CĐ-TTg, 34/CĐ-TW của Thủ tướng Chính phủ; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản; Tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ kết hợp với lực lượng chủ lực đóng quân trên địa bàn để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; Đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão…