Nỗ lực vì công cuộc giảm nghèo
Từ nhiều năm trước, mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho người dân vùng miền núi được tỉnh Nghệ An xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả hệ thống chính trị.
Để thúc đẩy, hỗ trợ miền núi phát triển, đưa đồng bào các DTTS ở khu vực này tiến kịp miền xuôi, tỉnh Nghệ An có Đề án Giảm nghèo và giúp đỡ xã nghèo miền Tây từ năm 2011 nhằm huy động thêm nguồn lực cho các xã nghèo. Từ nguồn lực chương trình này kết hợp với Chương trình 135, mỗi năm, Nhà nước đầu tư từ 400-500 tỷ đồng để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cấp hạ tầng thiết yếu các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn khu vực I, II, III.
Điểm nhấn quan trọng trong công cuộc đồng hành cùng đồng bào miền Tây Nghệ An thoát nghèo, đó là việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo… từng bước nâng cao đời sống. Theo đó, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng đồng bằng, thành phố… nhận kết nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, bản nghèo bằng việc hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở.
Bên cạnh đó, dù không đầu tư trực tiếp cho công tác giảm nghèo, nhưng bằng những đầu tư hỗ trợ từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới triển khai từ năm 2010, đã được đầu tư, hỗ trợ vào vùng đất này, với kỳ vọng sớm cải thiện các “tiêu chí khó” về tổ chức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, cơ sở vật chất, lao động… Song song đó là các dự án thuộc Chương trình 134, 135 đã hỗ trợ cho người dân vùng DTTS và miền núi những sinh kế thoát nghèo, hạ tầng cơ sở nông thôn…
Kể từ năm 2021, các Chương trình 134, 135 đã được tích hợp vào Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần, theo đó thời gian qua cũng đã có hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, nâng cao mức sống vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Chỉ tính riêng kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, là 603,73 tỷ đồng.
Từ các nguồn lực đó, bức tranh vùng miền núi Nghệ An đã thực sự đổi khác. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi Nghệ An tăng 1,4 lần so với năm 2020 và hiện đã đạt 4,19 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 4,88% và hiện còn 29,15%. So với giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã có 18 xã và 136 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Công tác giảm nghèo vùng miền núi Nghệ An đã có nhiều đổi mới, nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Đây là thành quả từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị chung tay chăm lo công tác giảm nghèo; đồng thời chứng minh rõ những giải pháp giảm nghèo đang đi đúng trọng tâm và đúng hướng.
Còn lắm gian nan
Mặc dù đã có bước tiến trong công tác giảm nghèo, nhưng thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều trăn trở; người dân vẫn loay hoay với bài toán sinh kế bền vững và câu chuyện giảm nghèo vẫn rất gian nan.
Khó khăn đầu tiên đến từ điều kiện tự nhiên của vùng đất. Dù chiếm diện tích đến 83,3% của tỉnh, nhưng vùng miền núi phía Tây Nghệ An cơ bản là đồi núi cao, và dễ sạt trượt khi mưa lũ. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - Vi Hòe tâm sự: Huyện Kỳ Sơn có đến hơn 98% diện tích là đồi núi cao dễ sạt lở khi có mưa lũ. Gần 2% diện tích đất còn lại không đủ cho sinh sống và canh tác. Một phần chính cũng vì nguyên nhân này mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện rất cao, tỷ lệ hộ tái nghèo lớn.
Có một nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng, đến từ cơ cấu lao động của vùng. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp của miền Tây xứ Nghệ mới chỉ đạt 20,2% so với lao động qua đào tạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Lao động được đào tạo chủ yếu là trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao như hiện nay; chưa kể, có nơi vẫn không thu hút đủ học viên.
Như ở huyện Quỳ Hợp, UBND huyện đã giao trách nhiệm cho mỗi xã, mở được từ 2-3 lớp đào tạo trình độ nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023. Nhưng các xã không thực hiện được, do nhu cầu học nghề của người lao động không nhiều.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong khi, nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh và phát huy được nội lực của toàn dân. Nhiều mô hình giảm nghèo ở Nghệ An chết yểu hoặc khó nhân rộng.
Qua tìm hiểu từ thực tiễn 5 năm thực hiện Đề án Khuyến nông cho người nghèo, một cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: Các mô hình sản xuất giảm nghèo tại miền Tây khó nhân rộng được là do bà con muốn được hỗ trợ 100% và không muốn bỏ vốn đối ứng. Do thói quen tư duy này, nên nhiều dự án khi nguồn hỗ trợ triển khai mô hình của Nhà nước không còn, thì mô hình cũng chấm dứt.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỉ lại, nhận thức về công tác giảm nghèo còn hạn chế, nên kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi cuối năm 2023 là 29,15%; cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (5,19%). Đáng chú ý, nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nguy cơ tái nghèo lớn; trong đó Quế Phong có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hơn 65%; tương tự, Kỳ Sơn còn 49,68%, Tương Dương 29%, Con Cuông 17%...
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An- Thái Thanh Quý cho rằng, để miền núi phía Tây phát triển, ngoài mục tiêu trọng tâm là giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân; thì ngoài yếu tố nội lực, sự chủ động, nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, rất cần sự hỗ trợ quan trọng của Trung ương và tham gia đồng hành tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp.