Khó khăn về hạ tầng, nhân lực
Lạng Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng tại Bắc Sơn, Bình Gia; huyện Hữu Lũng, với 33 hộ đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch. Những điểm du lịch này đã thu hút khách đến trải nghiệm và tìm hiểu, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con các DTTS nơi đây.
Tuy nhiên, cũng có không ít hộ dân làm du lịch cộng đồng phải rơi vào tình cảnh khó khăn. Nguyên nhân, do các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, đến nay vẫn tự trang trải kinh phí sửa chữa, cải tạo nhà ở, chỉnh trang khuôn viên sân vườn, làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại…
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng như: đường giao thông, công nghệ thông tin, cơ sở lưu trú, nơi vui chơi, giải trí… ở các điểm du lịch cộng đồng còn ít và thiếu đồng bộ. Số lượng và chất lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng còn thiếu và yếu. Người dân phần lớn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ, trong khi khách du lịch chủ yếu lại là khách nước ngoài.
Ông Hoàng Hồng Sơn, thôn Cốc Mặn, xã Mông Ân, huyện Bình Gia cho biết: Tôi tham gia làm du lịch cộng đồng từ năm 2019. Để đủ điều kiện đón tiếp khách, tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng nâng cấp nhà ở, nhưng một số hạng mục vẫn chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Khách nước ngoài đến đây cũng không tìm hiểu được văn hóa địa phương vì không có người phiên dịch. Do đó, lượng khách không ổn định, tôi phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng.
Khó khăn của người dân ở Lạng Sơn, cũng là khó khăn chung của người dân làm du lịch cộng đồng ở các địa phương khác. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam chưa cho ra quy chuẩn chính xác cho mô hình du lịch cộng đồng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế. Dù các địa phương đã quan tâm đầu tư, nhưng du lịch cộng đồng vẫn còn manh mún, thiếu nhiều yếu tố để phát triển bền vững như: nhân lực, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch…
Thiếu tính định hướng
Hiện nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng trên cả nước đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển; và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt, qua các dự án từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi kết thúc dự án, thì hoạt động du lịch không tiếp tục được duy trì do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…
Bên cạnh đó, một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá sốt sắng, dẫn đến làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế…
Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà trên thực tế còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao.
Điển hình như, ở các xã như Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm,... của tỉnh Quảng Bình, do sức hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên tại đây nên nhiều năm liền, số lượng du khách tới địa phương này ngày một gia tăng.
Trước xu thế phát triển mới của du lịch cộng đồng và cơ hội cải thiện thu nhập, nhiều hộ dân vốn sinh sống bằng nông nghiệp và đi rừng, đã đua nhau chuyển sang làm du lịch mà thiếu sự tìm hiểu, chuẩn bị. Hầu hết các gia đình đã vay mượn tiền bạc xây dựng homestay, thậm chí, xây homestay trên đất chiếm dụng trái phép từ hành lang đường giao thông, hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất kinh doanh sai quy định...
Trong đó, không ít gia đình khi tham gia làm du lịch cộng đồng, chưa hoàn vốn lại gặp ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19, lượng du khách ít, nguồn thu từ homestay rất hạn chế, không đủ trang trải hoạt động, khấu hao tài sản, trả lãi ngân hàng khiến nhiều gia đình sa vào cảnh nợ nần, rơi vào tình cảnh“sống dở chết dở”, vì nếu đóng cửa thì không thu hồi được vốn, mà tiếp tục duy trì thì thu không đủ chi phí...
Anh Dương Vũ Linh, chủ homestay Thảo Nguyên, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho hay: Kinh doanh homestay đợt này đìu hiu lắm, thu không đủ bù chi nên có homestay phải treo biển đóng cửa.
Theo TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Văn phòng Quốc Hội) thì, du lịch cộng đồng ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa đi vào thực chất. Muốn hạn chế tình trạng phát triển tự phát về du lịch cộng đồng như hiện nay, nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả hình thức du lịch này...
Có thể thấy, vẫn còn nhiều rào cản làm giảm sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam. Những rào cản này, có thể đến từ trình độ học vấn thấp, thiếu vốn, kỹ năng, kiến thức làm du lịch chuyên nghiệp; thậm chí thiếu minh bạch và phân phối lợi ích không đồng đều. Đặc biệt, là chúng ta vẫn đang thiếu một khuôn khổ chính sách phù hợp để hỗ trợ việc phát triển tri thức cộng đồng.