Ở một số nơi, do thiếu tính tổ chức, thiếu sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng “nhà nhà đua nhau làm du lịch”. Việc phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh theo kiểu “chộp giật” …
Phát triển ồ ạt
Nói đến du lịch cộng đồng (DLCĐ), không ít người sẽ nghĩ ngay đến khu du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Giai đoạn 2014 - 2016, khách du lịch nội địa đến bản Lác rất đông, hiệu quả kinh tế có thể thấy rõ. Các hộ chỉ cần sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm đồ dùng là có thể làm du lịch, thu về lợi nhuận. Đây cũng là giai đoạn du lịch bản Lác phát triển “nóng” nhất với việc nhà nhà làm DLCĐ.
Nhưng đó là câu chuyện của DLCĐ bản Lác trong thời kỳ phát triển mạnh nhất. Còn hiện nay, khách quốc tế lưu trú qua đêm và chi tiêu tại bản Lác từ năm 2018 đến nay có xu hướng giảm; khách nội địa có tăng nhưng tăng ít.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do không gian của bản đã dần bị hiện đại hóa, những nhà sàn gỗ xưa kia được thay thế dần bằng những ngôi nhà bê tông mới. Ông Hà Công Tím, Người có uy tín bản Lác cho biết: “Càng ngày, gỗ làm nhà càng quý hiếm, việc làm nhà sàn gỗ có chi phí cao gấp 2, 3 lần so với nhà sàn bê tông nên các hộ làm du lịch sau không có kinh phí để làm, hầu hết đều sơn bê tông giả gỗ”.
Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa cũng dần bị mai một. Những khung cửi dệt thổ cẩm của người phụ nữ Thái trước đây đành tháo dỡ, xếp gọn vào trong kho để lấy chỗ treo bán khăn quàng cổ "Made in China”. Con đường nội bản xưa vốn yên bình, du khách rất thích đi bộ thong dong ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân mua cơm lam, rau sắng, bó đũa tre, chiếc mõ trâu… thì giờ đây là tuyến đường chính dành cho những chiếc xe điện hoạt động.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Mai Châu cho biết: Quy hoạch vẫn là điểm yếu mấu chốt hiện nay ở bản Lác, các hộ đang làm du lịch theo kiểu "mạnh ai nấy làm”. Để đáp ứng lượng khách đến bản đông, các hộ đã xây dựng, sửa sang, cơi nới, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ như cafe, spa…, khiến cho không gian văn hóa nhà sàn của người Thái bị phá vỡ.
Có thể thấy, mô hình DLCĐ đang góp phần vào phát triển kinh tế cho người dân địa phương, nhưng nếu loại hình du lịch này vẫn phát triển ồ ạt, không có hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến kinh tế, đến niềm tin vào du lịch cộng đồng.
Kinh doanh kiểu "ăn xổi"
Lào Cai là một trong những địa phương có mô hình DLCĐ khá phát triển, góp phần tạo sinh kế và nâng cao đời sống của đồng bào. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Lào Cai đã xây dựng quy hoạch phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại các địa phương; đồng thời tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và có giải pháp bảo tồn phong cảnh và nét văn hoá đặc sắc của các thôn, bản của đồng bào DTTS với phương châm “Biến di sản thành tài sản” để phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, hiện loại hình du lịch này đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Ví dụ ở thị xã Sa Pa, có rất nhiều người từ các tỉnh miền xuôi lên thuê nhà, thuê đất của người dân địa phương để mở các điểm du lịch Homestay, nhưng thực chất họ chỉ đơn thuần là xây nhà cho thuê phòng, kinh doanh dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác. Chỉ tính thôn Tả Van Giáy 1 và Tả Van Giáy 2, thuộc xã Tả Van hiện có 50 cơ sở Homestay, thì khoảng 50% là của người nơi khác đến thuê. Như vậy, bản chất của DLCĐ sẽ dần mất đi. Trước đây, điểm DLCĐ Tả Van được ưa chuộng, bởi vẻ hoang sơ với khung cảnh thôn, bản thơ mộng với những ngôi nhà gỗ yên bình. Thay vào đó, hiện nay là những nhà hàng, nhà nghỉ được xây kiên cố, dịch vụ ăn uống mở tràn lan. Thậm chí, không ít cơ sở Homestay “bê” luôn mô hình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng ở thành phố vào vùng nông thôn này.
Ở tỉnh Yên Bái, qua thời gian hoạt động, mô hình DLCĐ cũng đang xuất hiện nhiều tồn tại. Chị Nguyễn Lan Hương, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Các Homestay chỉ chú trọng đến lưu trú, ăn uống và một số ít hoạt động văn hóa khác, mà chưa thực sự được hòa vào cuộc sống của người dân địa phương từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động, tập tục văn hóa để trải nghiệm.
Bên cạnh đó, do nguồn lực từ gia đình, tự phát, nên khi thực hiện, nhiều hộ không đủ cơ sở vật chất; thiếu kinh nghiệm về cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ; hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; hạn chế về giao tiếp với khách nước ngoài; thiếu liên kết trong cộng đồng để tạo các sản phẩm văn hóa du lịch địa phương...do đó, không thu hút được khách du lịch lưu lại lâu.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, mô hình DLCĐ hiện đã mở rộng ra trên cả nước, với khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động loại hình này. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang rất lúng túng khi phát triển DLCĐ. Hầu hết người dân tự tìm lối đi, mỗi nơi phát triển một kiểu, mạnh ai nấy làm, nhỏ lẻ thiếu bền vững. Ở một số địa phương, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý mô hình, dẫn đến tình trạng, hộ dân vì lợi ích kinh tế mà phát triển ồ ạt...