Biểu tượng chiếc thuyền buôn vượt sóng được thờ phía trước Chùa Núi NổiChuyện hình thành Núi Nổi
Chuyện xưa kể rằng, trước khi hình thành, Đồng bằng sông Cửu Long là biển nước mênh mông, không thấy bến bờ. Không biết từ đâu, một chiếc thuyền buôn lớn chở đầy hàng hoá, đi qua vùng biển này không may bị vướng vào đá ngầm. Theo năm tháng, nước rút dần, bãi đá ngầm lộ diện thành ngọn núi giữa đồng bằng mênh mông, bát ngát.
Điều lỳ lạ của ngọn núi này là, tuy không cao nhưng mỗi khi nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về; kể cả những năm có đại hồng thuỷ lịch sử được dân gian khắc ghi “năm Thìn bão lụt”, làm cho hết thảy cầu cống, đường sá trong vùng chìm trong biển nước, thì ngọn núi ấy vẫn sừng sững vững chãi trước đầu sóng ngọn gió.
Có truyền thuyết nói rằng, vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ ẩn tu trong ngôi chùa lá nhỏ xíu dựng tạm trên đỉnh núi, đã làm phép mỗi khi nước lũ lên cao đến đâu, thì ngọn núi vươn cao lên đến đấy như trong truyện Sơn tinh - Thủy tinh. Cả trong những trận đại hồng thuỷ kinh hoàng, ngọn núi vẫn nổi lên trên mặt nước như một pháo đài để dân nghèo đến nương tựa, tránh trú chờ qua cơn hoạn nạn, màn trời chiếu nước.
Khi lũ về phía sau sự hung hãn, là rất nhiều lợi ích tự nhiện theo dòng lũ tràn vào đồng ruộng như cá tôm, sản vật tự nhiên, giúp dân nghèo tìm thêm cái ăn để sống giữa bốn bề nước nổi. Lũ rút đi để lại trên mặt đất vô vàn phù sa làm cho đất thêm màu mỡ, cây trồng tốt tươi, thu hút lưu dân từ khắp nơi tìm về sinh sống, dựng ấp, lập làng.
Người ở lâu, có của ăn của để thì chọn nghề trồng cấy. Người mới đến chưa có đất, chưa có của đành chọn nghề “bà cậu” nghề “hạ bạt” (nghề câu lưới) để kiếm cái ăn trong cơn nước lũ bằng việc đánh bắt con cá con tôm đổi gạo để sinh sống.
Người làm nghề “bà cậu” nghề “hạ bạt” tuy giỏi bơi lội, giỏi đánh bắt nhưng đâu phải ai cũng biết “bói trời”, xem thời tiết. Chuyện trời đang nắng bỗng chuyển sang mưa, giông to gió lớn từ đâu kéo về, biến cánh đồng nước hiền hoà thành biển nước mênh mông với nhiều con sóng lưỡi búa, lưỡi đao vô tình chẻ nát rồi nhấn chìm những chiếc xuồng cây ba lá nhỏ xíu của dân đi câu, đi hái kiếm miếng ăn trong mùa lũ là chuyện thường xảy ra.
Cũng chính vì lẽ đó, người dân làm nghề câu lưới (nghề bà cậu, nghề hạ bạc) luôn tâm niệm làm điều lành để lánh điều dữ; thờ cha kính mẹ, trọng nhân nghĩa, đi lễ chùa …để nhận sự phù hộ, che chở của thần núi, thần nước trước những cơn sóng, to gió lớn.
Bà Trần Thị Lệ, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang tuổi đã ngoài 70, thường đến chùa Núi Nổi làm công quả những dịp rằm lớn kể: “Hơn 30 chục năm về trước, gia đình tôi nghèo lắm, không có vốn mua câu lưới. Mùa nước lên mấy đứa con gái thường chống xuồng đi bức lá sen bông súng kiếm tiền. Sáng hôm đó trời âm u, xuồng con gái bà vừa ra giữa đồng thì mưa lớn đổ xuống không thấy đường quay về. Sóng gió cuồn cuộn nổi lên, chiếc xuồng bị quật chìm.
"Tới hôm sau, nắng lên mới biết con gái tôi bị cuốn trôi nằm dưới chân Núi Nổi sau đó đã tỉnh lại. Đúng là như có phép mầu. Vì vậy, mỗi khi chùa có việc hay ngày rằm cúng lớn mẹ con tôi thường về làm công quả trả ơn”.
Chuyện của gia đình bà Lệ, chỉ là một trong vô số câu chuyện tâm linh được người dân truyền tụng, ngợi ca về ngọn núi lạ lùng, nổi trên mặt nước, lại còn rất linh thiêng biết che chở, cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn hoặc những người lạc lối lầm đường biết quay đầu sám hối phục thiện…
Khách thập phương đến chiêm bái Chùa Núi NổiPhát huy di tích lịch sử cách mạng
Phù sa theo con lũ hằng năm bồi đắp phía sau ngọn núi hình thành dãy đất dài, lâu ngày thành cái giồng cao. Do ít người qua lại, tre rừng xâm lấn, phát triển, phủ kín thành cánh rừng tre bạt ngàn. Dân địa phương gọi nơi này là Giồng Trà Dên.
Nhờ địa hình thuận lợi, giáp với Capuchia, ít người qua lại, nên Giồng Trà Dên được chọn làm căn cứ cách mạng thời kỳ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nơi đây làm nhiệm vụ chế tạo vũ khí tiếp tế cho các chiến trường lân cận thuộc Khu 8, Khu 9 cũ (nay là Quân khu 9). Chùa Núi Nổi nằm trong Chiến khu Giồng Trà Dên là nơi bồi dưỡng chính trị cho cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng Long Châu Tiền, Long Châu Hà (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang ngày nay).
Ngôi chùa lá trên núi có từ rất lâu, nhưng đến năm 1938 người dân trong làng cùng nhau góp công sức dựng lên ngôi chùa mới bằng gỗ rừng vững chắc. Tên gọi Phù Sơn Tự để chỉ Chùa Núi Nổi ra đời từ đó với ý nghĩa “bảo vệ ngọn núi, phù hộ dân lành”.
Phù Sơn Tự còn nổi tiếng là một trong rất ít ngôi chùa Phật Giáo có am riêng thờ Sơn Thần (đa thần) cùng với bàn tờ Tổ quốc, tôn thờ anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.
Đại đức Thích Minh Đức, thành viên Ban trụ trì Chùa Núi Nổi - Phù Sơn TựĐại đức Thích Minh Đức, thành viên Ban trụ trì Phù Sơn Tự cho hay: Chùa Núi Nổi - Phù Sơn Tự được UBND tỉnh An Giang công nhận Di tích Lịch sử cách mạng năm 2001. Nhờ được công nhận Di tích Lịch sử cách mạng và sự đóng góp của mạnh thường quân, du khách gần xa, Giáo hội Phật giáo tỉnh có điều kiện tôn tạo, xây dựng lại ngôi chùa khang trang, hiện đại, phía trước sân chùa có tượng Phật A Di Đà cao 42 mét, Phật Bồ Tát Quán Thế Âm cao 21 mét, từ xa du khách, người dân địa phương đã nhìn thấy.
Mỗi dịp rằm lớn, lễ Tết du khách thập phương, nhất là nhửng người con An Giang học tập, làm ăn xa xứ thường về chùa tham quan, lễ bái cầu cho Quốc Thái - Dân An, Phong điều vũ thuận. Nơi đây trở thành điểm đến của nhiều tuyến du lịch tâm linh tham quan quần thể cảnh quan du lịch Thất Sơn - Bảy Núi - An Giang và là nơi giáo dục lịch sử địa phương của thế hệ trẻ.
Bàn thờ Tổ quốc trong khuôn viên Chùa Núi Nổi - Phù Sơn TựDù xây mới, Giáo hội vẫn không quên giữ lại hình ảnh chiếc thuyền buôn to lớn vươn mình trên sóng ngay phía trước lối vào chùa nhằm nhắc nhở phật tử, khách hành hương và thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử quê hương, tinh thần vượt lên không khuất phục gian khó, sự khốc liệt của thiên tai.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Phương, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử - trường Đại Học An Giang lý giải: Hình ảnh con thuyền trong sóng dữ thể hiện tính từ bi – trí tuệ của Phật giáo – giúp người nhưng phải an toàn cho bản thân mình.
Ngày nay hình ảnh con thuyền còn có ý nghĩa đẩy mạnh giao thương, kết nối đường thuỷ để vươn mình hội nhập, phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường bằng bản sắc văn hoá Việt Nam và tinh thần Từ bi – Trí tuệ.