Đây là nơi cơ quan Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đặt trụ sở trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ năm 1951 đến 1954). Trong thời gian này, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có những quyết sách, chỉ đạo quan trọng đối với toàn ngành, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Ngày 17/1/2006, di tích Bộ Quốc gia Giáo dục được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư xây dựng công trình di tích với diện tích 3.864m2, bao gồm bậc tam cấp, văn bia bằng đá, sân cỏ và 2 công trình phụ trợ là lớp mẫu giáo và nhà văn hóa thôn Khuôn Trú. Sau hơn 10 năm xây dựng, một số hạng mục đã xuống cấp, giá trị của di tích chưa được phát huy.
Đến tháng 7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tổ chức tôn tạo di tích với tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Công trình hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thăm, tặng quà gia đình ông Hứa Văn Huấn, thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên là địa điểm đóng trụ sở Bộ Quốc gia Giáo dục; nơi ở và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn từ năm 1951 đến 1954.
Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục có ý nghĩa nhân văn và giáo dục truyền thống sâu sắc với các thể hệ nhà giáo và học sinh cả nước. Khu di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho học sinh và người lao động trong toàn ngành; là nơi để các thế hệ cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên cả nước hướng về và thực hiện lời dạy của Bác về công tác giáo dục