Gọi là Lễ hội Trùng Cửu vì phần chánh lễ sẽ được tổ chức đúng ngày 9/9 Âm lịch hàng năm (trùng cửu nghĩa là 2 lần số 9). Lễ không có hát múa, rước sắc linh đình, mà chỉ chủ yếu khoản đãi cơm nước, bánh trái cho khách thập phương đến chiêm bái, thành kính dâng hương nhằm tưởng nhớ công ơn ông Trần (tức ông Lê Văn Mưu, 1855 - 1935), người đã có công trong việc mở đất, lập làng tại xã đảo Long Sơn.
Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ Ông Trần, đây cũng là dịp để cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân no ấm, an cư lạc nghiệp, không bệnh không tật, tránh được mọi tai họa...
Bà Lê Thị Kiềm - cháu đời thứ tư của Ông Trần cho biết, Lễ hội Trùng Cửu duy trì nhiều năm nay, đã trải qua 4 đời. Vào dịp lễ, Nhà Lớn Long Sơn nấu xôi, chè và loại bánh đặc biệt là bánh quy với ý nghĩa quy tụ bà con về kỉnh Ông (cúng Ông) và đãi khách thập phương. Số nếp sử dụng làm bánh, nấu xôi, chè này là của bá tánh khắp nơi gửi về.
Trong đó, hàng năm bà con ở Tiền Giang thu hoạch lúa Đông Xuân xong thì gửi về kỉnh Ông. Do có tích xưa kia, bà con ở tỉnh Tiền Giang khó khăn, Ông Nhà Lớn đã gửi biếu bà con 7.000 giạ. Nhớ ơn Ông, hàng năm đến mùa lúa Đông Xuân thu hoạch xong thì bà con ở Tiền Giang gửi về kỉnh Ông. Lễ kỉnh cũng nhằm cầu cho vạn dân bá tánh được an cư lạc nghiệp.
Để phục vụ du khách ăn, nghỉ, trước đó cả tháng, những người làm việc trong nhà lớn Long Sơn chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh, đồ ăn chay, quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cả 6 dãy phố. Còn mọi sinh hoạt của Nhà Lớn Long Sơn đều do những người thuộc dòng tộc Ông Trần và 10 vị kỳ lão phụ trách. Các vị kỳ lão này được tuyển lựa từ những người tin theo Ông Trần, là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, hiền đức, có uy tín, hiểu biết nhiều, nhiệt tình với công việc của Nhà Lớn...
Quần thể Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Hàng năm ngoài Lễ Hội Trùng Cửu thì ngày Vía Ông (giỗ Ông) cũng được tổ chức rất long trọng vào ngày 20 tháng 2 âm lịch.