Lễ cúng cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, thể hiện lòng tôn kính đối với các thần linh và ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mưa là yếu tố quyết định sự sinh tồn của mùa màng và cộng đồng. Vì vậy, nghi lễ này không chỉ là một tín ngưỡng mà còn là sự giao hòa giữa con người và các thế lực thiên nhiên.
Ở Buôn Mắp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cứ vào cuối tháng 3, khi đất đai đã hứng trọn 6 tháng nắng hạn, cây trồng bắt đầu khát mưa để đâm chồi phát triển thì đồng bào Ê Đê lại tổ chức Lễ cầu mưa.
Lễ vật dâng lên thần linh gồm rượu cần, gà, heo, trái cây, lúa gạo… thể hiện lòng thành kính của cộng đồng với các vị thần. Trong nghi lễ, thầy cúng đọc vang lời mời thần núi, thần sông, thần rừng, thần đá về chứng giám. Sau lễ, Người có uy tín cùng bà con bắt đầu gieo những hạt giống đầu tiên, gửi gắm ước vọng mùa màng bội thu.
Theo phong tục, thầy cúng chỉ được thực hiện Lễ cầu mưa chỉ được thực hiện tối đa ba lần trong một tháng, và nghi lễ chỉ thực sự linh thiêng khi có sự đồng thuận, nhất tâm của cả cộng đồng.
Lễ cúng cầu mưa ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk LắkNgày nay, với sự phát triển của hệ thống thủy lợi, riêng Đắk Lắk hiện có hơn 250 hồ đập lớn nhỏ. Người dân Tây Nguyên không còn lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Lễ cúng cầu mưa chỉ còn mang tính biểu trưng tại một số khu vực, thay vì quyết định sự sinh tồn của mùa màng như trước. Tuy vậy, ở nhiều nơi trong tỉnh Đắk Lắk, nghi lễ này diễn ra vẫn giữ được sự giản dị và gần gũi, không cần sân khấu hóa hay các yếu tố phụ trợ, tạo ra không gian thiêng liêng gắn kết con người với thiên nhiên. Bằng hình thức này, Lễ cúng cầu mưa cũng là dịp để cộng đồng thể hiện tinh thần đoàn kết. Mọi người, từ già trẻ đến trai gái, đều tham gia vào các hoạt động chuẩn bị lễ, thể hiện sự tôn kính với thần linh và tạo cơ hội để mọi người gần gũi nhau hơn.
Mặc dù vậy, Lễ cúng cầu mưa đang đối mặt với không ít thách thức trong xã hội hiện đại. Một trong những thách thức lớn là sự “thương mại hóa” các nghi lễ truyền thống. Du lịch đã góp phần phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, nhưng việc biến các lễ hội thành sản phẩm du lịch có thể làm mất đi bản sắc văn hóa gốc. Một số nghi lễ có thể bị giản lược hoặc thay đổi để phục vụ nhu cầu của du khách, vô tình đã làm giảm tính linh thiêng của nghi thức.
Mạng xã hội và phương tiện truyền thông cũng đang thay đổi nhận thức và lối sống của thế hệ trẻ. Những giá trị văn hóa phương Tây cùng xu hướng toàn cầu hóa khiến nhiều người trẻ ít hiểu biết phong tục truyền thống, làm tăng nguy cơ mất kết nối với cội nguồn. Lối sống đô thị hóa cũng khiến nhiều người di cư vào thành phố, mất đi sự gắn bó với buôn làng, từ đó các phong tục truyền thống, bao gồm Lễ cúng cầu mưa, có thể bị lãng quên.
Nghi lễ cầu mưa được đồng bào Ê Đê thực hiện bên suối Đắk TuarNhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vua Lửa – Huyền thoại và hiện thực”. Hội thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá vai trò, vị trí của Vua Lửa trong đời sống tâm linh của người Tây Nguyên, đặc biệt là nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Tại đây, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều góc nhìn mới về giá trị và ý nghĩa của nghi lễ cầu mưa, đồng thời đề xuất các giải pháp linh hoạt để kết hợp giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch một cách có trách nhiệm. Theo đó, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên cần tạo dựng không gian văn hóa mở – nơi du khách có thể khám phá đời sống tinh thần phong phú mà không làm phai nhòa bản sắc gốc.
Bên cạnh đó, việc giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa các nghi lễ truyền thống cũng được nhấn mạnh là yếu tố then chốt, nhằm nuôi dưỡng sự hiểu biết và niềm tự hào đối với di sản văn hóa của chính cộng đồng mình.
Văn hóa Tây Nguyên là một kho tàng vô giá, kết tinh những giá trị tinh thần sâu sắc của cộng đồng. Dù đang đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh hiện đại, nhưng với sự chung tay của cộng đồng, các cơ quan chức năng và toàn xã hội, những nghi lễ truyền thống như Lễ cầu mưa vẫn có thể được gìn giữ và phát huy. Đó không chỉ là hành trình bảo tồn bản sắc, mà còn là cách để nối dài mạch nguồn văn hóa thiêng liêng giữa đời sống đương đại.