Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 44,47 triệu ca mắc. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 31.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã vượt quá 700.000 người, tiếp tục ở mức cao nhất thế giới. Số người thiệt mạng trung bình mỗi ngày do COVID-19 ở Mỹ hiện đang ở mức 2.000 người. Biến thể Delta trong thời gian qua đã khiến số ca nhiễm mỗi ngày ở Mỹ tăng đáng kể, trước khi giảm xuống mức trung bình gần 118.000 ca/ngày hiện nay.
Tới nay đã có khoảng 56% dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ. Nước này hiện đang ưu tiên mũi tiêm bổ sung bằng vaccine COVID-19 của Pfizer cho những người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền.
California sẽ trở thành bang đầu tiên tại Mỹ bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh, sinh viên ở các hệ thống trường học công và tư trên toàn bang. Quy định này dự kiến được thực hiện vào tháng 1/2022, sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận việc tiêm vaccine cho các nhóm trẻ tuổi. Quy định mới được cho là sẽ ảnh hưởng tới hơn 6 triệu sinh viên ở bang đông dân nhất nước Mỹ này, nơi 84% người đủ tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/10, nước này ghi nhận hơn 23.000 ca mắc mới COVID-19 và 239 trường hợp tử vong. Hiện, tổng cộng trên 33,8 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 448.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 597.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tình hình dịch tại Nga có dấu hiệu phức tạp trở lại. Ngày 2/10, nước này ghi nhận hơn 25.200 ca nhiễm mới COVID-19, mức cao nhất trong gần 3 tháng qua. Liên tiếp trong 5 ngày qua, Nga báo cáo hơn 800 người tử vong mỗi ngày, mức cao nhất từ đầu dịch. Dù vậy, giới chức Nga cho biết sẽ không có quy định cách ly mới. Chính quyền Nga nhấn mạnh, những biện pháp hạn chế sẽ do chính quyền các địa phương quyết định dựa theo tình hình dịch bệnh. Một số địa phương đã thắt chặt các quy định cách ly bằng cách áp dụng trở lại mã QR đối với người đã tiêm chủng. Nga hiện là nước chịu ảnh hưởng thứ 5 thế giới bởi dịch COVID-19 với trên 7,56 ca mắc và hơn 209.000 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, Nga đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của nước này được phê duyệt sử dụng tại Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Mikhail Murashko nêu rõ, tất cả các rào cản đăng ký vaccine Sputnik V tại Tổ chức Y tế Thế giới đều đã được loại bỏ, hiện chỉ cần hoàn tất một số giấy tờ cần thiết để vaccine của Nga được phê duyệt.
Vaccine Sputnik V đang được sử dụng rộng rãi tại Nga và đã được phê duyệt sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện loại vaccine này đang trải qua quá trình đánh giá tại Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban Dược phẩm châu Âu. Việc Sputnik V được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội để vaccine này tiếp cận với nhiều thị trường khác, đặc biệt là tại châu Âu.
Một số bang của Đức đã thông báo dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19. Theo đó, các sự kiện tổ chức tại sân vận động và câu lạc bộ được phép hoạt động trở mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, số ca mắc mới có thể tăng cao trở lại khi có ngày càng nhiều người tham gia vào các hoạt động trong nhà vào những tháng mùa đông tới.
Cơ quan Quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y học của Argentina đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của tập đoàn Sinopharm cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi. Đây là bước tiến quan trọng trong việc triển khai chương trình tiêm chủng đại trà ở Argentina.
Để có thể cấp phép sử dụng vaccine của Sinopharm cho trẻ từ 3-11 tuổi, Cơ quan trên đã xem xét và đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đối với trẻ em tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cũng như tham khảo kinh nghiệm của Chile trong việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em tại nước này.
Mới đây, Argentina đã bắt đầu tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 5 triệu trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi bằng các loại vaccine của Moderna và Pfizer.
Tại Thụy Sĩ, nhằm đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng đang được cho là khá thấp, nước này đã có một biện pháp khuyến khích. Theo đó, những ai thuyết phục được bạn bè hay người thân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể được hưởng một bữa ăn miễn phí tại nhà hàng hoặc đi xem phim. Theo sáng kiến 50 triệu Franc của nước này, mỗi người tiêm mới sẽ khai báo tên người thuyết phục họ đi tiêm và người này sẽ được nhận 50 Franc Thụy Sĩ (tương đương hơn 1,2 triệu đồng) để đi xem phim hoặc ăn tại nhà hàng.
Thụy Sỹ cũng lên kế hoạch công bố tuần lễ tiêm chủng quốc gia với 170 điểm tiêm chủng lưu động trong bối cảnh vẫn còn một lượng lớn những người chưa có miễn dịch cùng với sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan Delta.
Từ ngày 4/10, Chính phủ Israel sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Bulgaria. Đây là 3 quốc gia cuối cùng trong danh sách "đỏ" bị hạn chế đi lại với Israel. Theo đó, những công dân Israel đã tiêm đầy đủ vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 có thể xuất cảnh tới bất cứ quốc gia nào và khi về nước cũng không cần phải tự cách ly như thời gian trước đây.
Bộ Y tế Israel đã ban hành kèm theo hướng dẫn quy tắc đi lại tới các quốc gia bị dán nhãn màu đỏ, cam và vàng. Công dân Israel hoặc người nước ngoài được phép nhập cảnh Israel sẽ phải xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Đáng chú ý, PCR là hình thức xét nghiệm duy nhất được chấp nhận khi nhập cảnh vào Israel, trong khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên không được áp dụng.
Truyền thông Israel cho biết, nước này dự định thay thế xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR và kháng nguyên bằng xét nghiệm nước bọt. Bộ Y tế Israel sẽ bắt đầu kiểm tra độ tin cậy vào tuần tới bằng cách thực hiện song song xét nghiệm nước bọt và xét nghiệm PCR trên cùng đối tượng. Nếu kết quả trùng nhau, Israel sẽ dần thay thế việc lấy mẫu dịch hầu họng bằng nước bọt. Nhà chức trách nước này cũng dự định sẽ áp dụng phương pháp xét nghiệm bằng nước bọt cho trẻ em trước tiên, sau đó mới áp dụng đối với người lớn.
Ngày 2/10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, các quy định hạn chế thông minh sẽ dần thay thế phong tỏa trong công tác ứng phó với dịch COVID-19. Theo trang web của Văn phòng Tổng thống Iran, ông Raisi kêu gọi phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục nhằm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trên 12 tuổi. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng, "việc thiếu quan tâm tới vấn đề vệ sinh trong cuộc chiến chống COVID-19 là hết sức nguy hiểm và các quy định y tế vẫn cần được giám sát thực thi chặt chẽ". Tổng thống Raisi nhấn mạnh, không nên quan niệm sai lầm rằng tiêm vaccine có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Đến nay, Iran đã có trên 5,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 120.800 trường hợp tử vong. Iran hiện có hơn 415.000 bệnh nhân COVID-19 và tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm dần trong tuần qua.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 606 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Trong số các ca mắc mới, có tới 601 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Bộ Y tế Lào lo ngại nguy cơ dịch lan rộng khi thủ đô Vientiane tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày với 400 trường hợp. Điều này khiến số bản tại thủ đô được quy định là "vùng đỏ" tăng cao với 120 bản thuộc 7 quận. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 24.916 ca, trong đó có 21 người tử vong.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tại các nhà máy sản xuất như đã xảy ra gần đây, Bộ Công Thương Lào đã có thông báo về việc tiến hành đánh giá công tác phòng ngừa dịch COVID-19, qua đó đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 đối với các nhà máy sản xuất.
Thái Lan đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tại thủ đô Bangkok, tâm dịch của Thái Lan trong nhiều tháng qua, do số ca mắc mới trong một ngày đã giảm mạnh so với 6 tuần trước đó nên các cơ sở massage, sân vận động, rạp hát và sở thú được phép mở lại nhưng phải tuân thủ các quy định phòng dịch. Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và nhiều cơ sở kinh doanh cũng được kéo dài thời gian mở cửa.
Ngoài ra, 28 tỉnh được đánh giá là đã khống chế được dịch bệnh đã được phép nới lỏng các hạn chế, trong đó, thời gian giới nghiêm ban đêm đã được rút ngắn 1 giờ. Trong khi đó, du khách nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày, còn du khách chưa được tiêm phòng đầy đủ sẽ phải cách ly 10 ngày.
Thái Lan từ ngày 4/10 sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi nhằm mở cửa trường học trở lại từ tháng 11. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, đến nay đã có gần 3,7 triệu học sinh trên toàn quốc nộp đề nghị được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Và Bộ này có kế hoạch đến cuối tháng 10 sẽ có 70% học sinh các trường trung học và dạy nghề trên cả nước được tiêm vaccine trước khi các em trở lại lớp học vào tháng 11.
Trước đó, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Thái Lan đã phối hợp lấy ý kiến phụ huynh nhằm kiểm tra số lượng học sinh sẽ được tiêm chủng, với mục tiêu đề ra là tiêm chủng cho hơn 5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi. Kết quả khảo sát cho thấy, 3 tỉnh có số học sinh đăng ký tiêm nhiều nhất là Phuket với 100% học sinh, tiếp đến là thủ đô Bangkok và Nakhon Si Thammarat cùng có 85% học sinh đồng ý tiêm vaccine.
Trong khi đó, theo Bộ Giáo dục Thái Lan, để mở cửa đón học sinh trở lại, các trường học phải thực hiện những biện pháp an toàn để phòng chống COVID-19, trong đó có ít nhất 85% giáo viên và nhân viên phải được tiêm vaccine đầy đủ đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch của Chính phủ.
Campuchia đang xem xét giảm thời gian cách ly đối với nhà đầu tư đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Các Bộ, ban, ngành liên quan của Campuchia ngày 1/10 đã kiểm tra và thảo luận về việc giảm thời gian cách ly đối với nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ muốn nhập cảnh vào Campuchia.
Cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính, Chủ tịch Ban thường trực thuộc Ủy ban Quốc gia về phòng chống COVID-19 của Campuchia, ông Aun Porn Moniroth chủ trì cũng xem xét báo cáo của giới chuyên gia về hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 và chuẩn bị các biện pháp ứng phó với dịch bệnh trước và sau kỳ nghỉ lễ Pchum Ben từ ngày 5 - 7/10 tới.
Bộ Y tế Campuchia ngày 2/10 xác nhận, nước này có 174 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 21 người nhập cảnh. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 113.057 người. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo có thêm 24 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này lên 2.360 trường hợp.
Singapore sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ các vùng rủi ro cao bắt đầu từ ngày 7/10 tới và mở cửa cho những người có thẻ thường trú dài hạn như lao động và sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vào đầu tháng 11.
Tại cuộc họp báo vào chiều 2/10, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của Thái Lan cho biết, số ngày cách ly bắt buộc (tại nhà hoặc tại cơ sở cách ly) đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo danh mục của Tổ chức Y tế Thế giới đến từ các nước rủi ro cao (trong đó có Việt Nam) sẽ giảm từ 14 ngày xuống 10 ngày và lịch sử đi lại tại quốc gia khởi hành cũng giảm từ 21 xuống còn 14 ngày.
Hiện tại, Singapore áp dụng các tiêu chí xét nghiệm, cách ly khác nhau với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine dựa trên việc phân chia các nước làm 4 nhóm trên cơ sở thực trạng tình hình dịch bệnh tại quốc gia đó. Danh sách các nước thuộc các nhóm sẽ được điều chỉnh, cập nhật tùy theo diễn biến tình hình.
Số ca nhiễm mới tại Singapore hiện vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Giới chức Singapore dự báo, trong những ngày tới, số ca lây nhiễm mới sẽ vượt 3.200 người/ngày, có thể lên tới 5.000 trường hợp/ngày vào giữa tháng 10 này.
Từ tháng 10, Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 như là điều kiện để tới nhà hàng và một số địa điểm công cộng khác. Biện pháp mới này được đưa ra sau khi nước này nới lỏng các hạn chế và dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp.
Những người tới nhà hàng, sân vận động, sự kiện âm nhạc quy mô nhỏ và nhà hát buộc phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước đó, đồng thời phải khai báo y tế. Trước mắt, việc kiểm tra chứng nhận tiêm phòng và kết quả xét nghiệm sẽ thí điểm tại 13 tỉnh. Việc thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm chủng nhằm tránh áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng và tạo điều kiện nối lại các hoạt động kinh tế, kể cả trong trường hợp xảy ra làn sóng dịch mới.