Đắm say thanh âm của đá
Bon Bu Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông là bon giàu truyền thống văn hóa, lưu giữ nhiều bộ đàn đá. Đến bon Bu Bir ngày cuối năm, chúng tôi bị hấp dẫn bởi tiếng đàn đá trong veo như tiếng nước suối chảy.
Ông Điểu K’ré (56 tuổi), một trong ít nghệ nhân đánh đàn đá bon Bu Bir bảo: Ngoài cồng chiêng, thanh âm đàn đá đã quen thuộc với người Mnông từ ngàn xưa và tiếng đàn đá không thể thiếu trong các lễ hội. Người Mnông quan niệm, thanh âm đàn đá là phương tiện kết nối giữa con người với thần linh.
Với ý nghĩa linh thiêng đó, đàn đá thường được diễn tấu cùng cồng chiêng, trống trong các lễ hội truyền thống quan trọng của bon làng như: Lễ cúng thần linh; Lễ mừng mùa màng bội thu; Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới… Trước đây, bon Bu Bir có rất nhiều người biết đánh đàn đá, nhưng nay cả bon chỉ còn 3 người biết đánh và đều đã lớn tuổi.
Bon Bu Bir có 108 hộ dân, với hơn 600 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mnông chiếm hơn 90%. Từ xa xưa, đời sống của đồng bào Mnông ở bon Bu Bir đã gắn liền với dòng suối Đắk Kar và truyền tai nhau câu chuyện về những bộ đàn đá dưới lòng suối. Hiện nay, một số hộ dân trong bon vẫn lưu giữ được các bộ đàn đá có giá trị lớn về khoa học.
Báu vật nghìn tuổi
Chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện tích lũy từ những người lớn tuổi, ông Điểu Phương, bon Bu Bir (người đã có hơn 20 năm tìm kiếm, sưu tầm đàn đá) kể: Hơn nửa thế kỷ trước, người dân trong bon đi bắt cá ở suối Đắk Kar đã tìm thấy 3 thanh đá kêu, họ mang về nộp cho già làng. Các thanh đá có âm tương đồng với bộ cồng 3 chiếc của người Mnông. Từ đó, các thanh đá trở thành nhạc cụ được diễn tấu cùng cồng chiêng trong các dịp lễ hội của bon. Thế nhưng, năm đó trong vùng có lụt lớn, nước dâng lên ngập cả nương rẫy, nhà cửa. Người dân cho rằng, thần linh trừng phạt vì đã lấy 3 thanh đá mang về, già làng cử người mang đá trở lại suối.
Năm 1985, một người dân bon Bu Bir tên Điểu Bang đi đánh cá đụng trúng 3 thanh đá phát ra âm thanh như tiếng cồng. Ông đưa 3 thanh đá về chòi rẫy, rồi rủ bạn đến cùng gõ vào thanh đá như đánh cồng chiêng. Đến gần sáng, trời bất ngờ đổ cơn giông, mưa gió ầm ào, chợt nhớ lại câu chuyện 3 thanh đá năm xưa, ông Điểu Bang mang đá trả về chỗ cũ.
Biết được câu chuyện 3 thanh đá, cán bộ ngành Văn hóa đã đến nhờ ông chỉ chỗ để vớt đá lên. Nhận thấy đây là hiện vật có giá trị về khảo cổ, văn hóa, lịch sử, năm 1993, Đoàn cán bộ Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Đắk Lắk (thời điểm này chưa tách tỉnh Đắk Nông) cùng ông Điểu Bang tìm lại 3 thanh đá dưới lòng suối Đắk Kar. Sau đó, 3 thanh đá nói trên được đưa về Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk để quản lý, bảo vệ, trưng bày và phát huy giá trị.
Ngoài cồng chiêng, thanh âm đàn đá đã quen thuộc với người Mnông từ ngàn xưa và tiếng đàn đá không thể thiếu trong các lễ hội. Người Mnông quan niệm, thanh âm đàn đá là phương tiện kết nối giữa con người với thần linh…”.
Ông Điểu K’ré,nghệ nhân đánh đàn đá bon Bu Bir
Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Đắk Kar kết luận, các thanh đàn đá này được chế tác từ cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông Trần Thị Kiều Vân chia sẻ, đến thời điểm này, vùng Tây Nguyên và miền Trung, Nam Bộ đã có nhiều sưu tập đàn đá được phát hiện, khai quật như ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước,... trong đó, một số sưu tập đá được công nhận là Bảo vật của quốc gia. Đối với sưu tập đàn đá Đắk Kar, Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Đắk Kar đã kết luận, 3 thanh đá trên là những thanh đàn đá của một sưu tập, có thanh âm và được sắp xếp theo thứ tự, tương đồng với bộ cồng 3 chiếc của người Mnông.
Sau khi tái lập tỉnh Đắk Nông năm 2004, sưu tập đàn đá Đắk Kar chính thức giao cho Bảo tàng tỉnh Đắk Nông quản lý, sử dụng. Quá trình quản lý, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đưa đi trưng bày ở một số triển lãm, các sự kiện chính trị, các hoạt động tuyên truyền giáo dục tại địa phương. Ngoài ra, sưu tập đàn đá Đắk Kar cũng được trưng bày lưu động tại một số sự kiện văn hóa ở các tỉnh, thành khác.
Năm 2019, sau khi Nhà triển lãm âm thanh của tỉnh Đắk Nông đi vào hoạt động, sưu tập đàn đá Đắk Kar được trưng bày ở phòng “Âm thanh của đá” để giới thiệu về văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông.