Trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Kể cả những lúc trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, mầu sắc đa dạng cho nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề của mình.
Nghề may làng Trạch Xá đến bây giờ vẫn giữ được truyền thống là bởi làm hoàn toàn thủ công, những người thợ may tài hoa với đôi bàn tay khéo léo tạo ra những chiếc áo dài truyền thống tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Dịp cuối tháng 2/2024 vừa qua, Làng nghề may Trạch Xá đã được công nhận là 1 trong 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đến làng Trạch Xá những ngày sau Tết, dù không có vẻ sôi động, rộn ràng nhưng hầu như xưởng may nào cũng bận rộn cho “vụ mùa” mới. Theo chị Nguyễn Thị Dung – Phó Trưởng thôn Trạch Xá, trong làng có khoảng 500 hộ gia đình thì đến 90% làm nghề may áo dài.
57 năm tuổi đời nhưng ông Đỗ Minh Tám, một nghệ nhân may áo dài trong làng đã có đến 40 năm gắn bó với nghề. Theo lời ông Tám, nghề may nhà mình đã truyền từ rất nhiều đời đến nỗi ông cũng không nhớ nổi. Từ khi 8, 9 tuổi ông đã học cách làm quen với cây kim, sợi chỉ. Đến 15, 16 tuổi đã có thể tự may đã thành thạo các kỹ thuật may và có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống.
Theo ông Tám, trước đây áo dài của Trạch Xá được làm thủ công hoàn toàn. Thợ may của làng ngày xưa chỉ cần mang theo những dụng cụ cơ bản như kim, kéo, thước, vạch… là đã có thể hành nghề
Ngày nay dù có sự hỗ trợ của máy may công nghiệp nhưng phần hỗ trợ của máy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. “Máy cũng chỉ dùng để hỗ trợ những đường khâu giấu đi, còn đường may phô ra ngoài thì bắt buộc phải làm bằng tay,” ông Tám chia sẻ.
Ông Tám cũng tiết lộ, khác với cách khâu thông thường, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc độc đáo, “cầm kim mà như không cầm.” Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng. Cách khâu này khiến tà áo dài mềm mại hơn.
Với kiểu cầm kim tay dọc, người thợ khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp. “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” theo đó trở thành một tiêu chuẩn của người thợ may Trạch Xá.
Ngoài kỹ thuật cầm kim tay dọc, áo dài Trạch Xá còn độc đáo khi dùng chỉ may được lấy ra từ chính mảnh vải dùng may áo. Ông Tám cho biết, nếu dùng chỉ công nghiệp khi giặt, là, thân áo sẽ bị co dưới tác động của nhiệt, nước, tà áo dài sẽ bị cứng. Áo dài Trạch Xá khi giặt sẽ không bị co rút, trông rất tự nhiên và mềm mại. Ông Tám cho biết, tháng bận rộn nhất trong năm của làng Trạch Xá là tháng 10 và 11. Bởi thời gian này, người dân làm áo dài để diện Tết.
Ông Đỗ Minh Tám là thợ cả thông thạo may áo dài cho nam giới. Mẫu áo nam cổ được ông Tám thiết kế với những kiểu dáng phỏng theo những mẫu áo xưa đã từng được thợ may Trạch Xá dựng cho vua Bảo Đại và các quan lại Triều Nguyễn.
Tùy theo chất liệu, mỗi chiếc áo dài nam có giá vài triệu, vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một sản phẩm nhờ sự tinh xảo từ chiếc cúc áo đến đường kim mũi chỉ.
Ông Tám chia sẻ trước đây khi chưa có sự hỗ trợ của máy may, mỗi chiếc áo dài phải cần khoảng 4 ngày mới có thể xong. Hiện giờ, khi đã có thêm các công cụ hỗ trợ, mỗi ngày ông có thể hoàn thiện 1 chiếc áo truyền thống
Nghề may ở Trạch Xá muốn học cũng rất gian nan, đòi hỏi lòng kiên trì, tận tâm của cả người học lẫn người dạy. Để có thể thạo nghề, mỗi người thường phải mất cỡ 3 - 4 năm trời ròng rã.
Dưới bàn tay khéo léo của người thợ may, những chiếc áo dài truyền thống được tạo nên đầy sự kín đáo, vừa tôn lên vóc dáng thanh thoát của người phụ nữ Hà thành. Áo dài ở Trạch Xá vẫn luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vẻ mềm mại của tà áo và tôn được dáng thanh thoát của người mặc.
Năm 2004, làng Trạch Xá được công nhận là “Làng may áo dài truyền thống". Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân...Những cửa hiệu nổi tiếng như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch ở ngoại thành đến các phố Khâm Thiên, Lương Văn Can, Cầu Gỗ trong nội đô đều do những người con của Trạch Xá làm chủ đã từng bước khẳng định được thương hiệu áo dài Trạch Xá với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trước những biến động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, các thế hệ Trạch Xá vẫn ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo để gìn giữ, phát triển và khẳng định chỗ đứng của áo dài Trạch Xá không chỉ trong nước mà còn góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.