Chúng tôi đến tham quan Triển lãm trong không khí tưng bừng với nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Triển lãm là một minh chứng sống động cho những đau thương, mất mát, tinh thần yêu nước, quả cảm của dân tộc Việt Nam. Tổ hợp chính của khu trưng bày được thể hiện thành hai không gian đối lập: một bên là hình ảnh đổ nát, hỗn loạn, ngổn ngang nhưng đậm chất anh hùng của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa; một bên là thành quả của bao hy sinh, xương máu, giờ trở thành khúc khải hoàn chiến thắng với phố xá tưng bừng rợp trời sắc đỏ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Cùng đến tham quan Triển lãm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên cán bộ Công an Hà Nội tham gia tiếp quản quân Nha Cảnh sát Bắc Việt và Nhà tù Hỏa Lò năm 1954 xúc động chia sẻ: “Không thể nào tả xiết nỗi niềm bồi hồi, xúc động khi ô tô đi qua cổng Nhà tù Hỏa Lò, vác ba lô trèo lên gác hai, nằm ở buồng tên giám thị Michel người Pháp, đèn điện sáng choang. Khác hẳn những ngày ở rừng, trải chiếu nằm trên sàn gỗ, nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh mà không sao ngủ được… Nhờ có Đảng lãnh đạo, có Bác Hồ, có Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và sự đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào mà toàn dân mới có giờ phút vinh quang này”.
Chắc hẳn, ai đã trải qua 60 ngày đêm bảo vệ Tổ quốc trên mảnh đất này sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh người người, nhà nhà đoàn kết một lòng, huy động tối đa sức người, sức của, vật dụng, đồ dùng trong nhà để mang ra làm vật cản ngăn chặn bước tiến của kẻ thù. Trên những bức tường đổ nát còn sót lại trong hồi ức ngày ấy những dòng chữ viết vội của một anh lính trẻ lần đầu xa nhà, xa Thủ đô yêu dấu: Hẹn ngày trở về…Tất cả vì Thủ đô thân yêu.
Không chỉ gây xúc động với những người lính trực tiếp chiến đấu, hình ảnh trưng bày tại Triển lãm còn gây xúc động mạnh với những du khách nước ngoài. Bà Madison Falco, quốc tịch Canada chia sẻ: “Tham quan nhà tù Hỏa Lò và Triển lãm, tôi cảm nhận được một phần sự tàn khốc của chiến tranh và những gì đất nước Việt Nam đã trải qua trong lịch sử. Bằng tinh thần, ý chí kiên cường của nhân dân, giờ đây Việt Nam đã trở thành một đất nước của hòa bình, tự do”.
Tại không gian Triển lãm, ký ức về Hà Nội, Hải Phòng những ngày cuối năm 1972 cũng được trưng bày qua các hình ảnh: đất nung, ngói tan, gạch nát. Những cuộc chia ly, mất đi người thân bởi bom đạn, sự ám ảnh về thời khắc máy bay B-52 ném bom rải thảm chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí những người đã trải qua 12 ngày đêm khói lửa ấy. Tìm lại ký ức tái hiện về cuộc chiến đấu của quân và nhân dân Hà Nội, Hải Phòng đã vượt qua mất mát, đau thương để chiến thắng. Đó còn là những câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn, đặc biệt là câu chuyện về những phi công Mỹ tại “Hilton-Hà Nội”.
“Hà Nội ngày trở về” là dịp để người dân Việt Nam tự hào khi đã lập nên kỳ tích của thế kỷ XX, để những người lính nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời; giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi của dân tộc Việt Nam, để cùng nhau góp sức xây dựng đất nước ấm no, giàu mạnh.
NGHĨA HIỆP