Dyson là nhà sáng lập Công ty Air Protein – một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California (Mỹ) đang khai thác công nghệ tiên tiến để tạo ra một loại thịt gọi là thịt không khí, sử dụng vi sinh vật, nước, năng lượng tái tạo và các nguyên tố tìm thấy trong không khí.
Công nghệ của Air Protein bắt nguồn từ ý tưởng mà NASA từng nghiên cứu vào thập niên 1960. Khi đó, các nhà khoa học tìm cách cung cấp thực phẩm cho phi hành gia trong không gian và phát hiện có thể sử dụng tổ chức vi sinh vật để biến đổi CO2 từ hơi thở của phi hành gia thành thức ăn. Sử dụng quá trình tương tự trên Trái Đất ở bên trong bể lên men, công nghệ do Air Protein phát triển có thể giúp giảm đáng kể tác động của ngành công nghiệp thực phẩm tới môi trường.
Quy trình làm thịt không khí của Công ty Air Protein tương tự như quy trình lên men của sữa chua hay phô mai. Nhưng thay vì để vi khuẩn lên men ở đường hoặc sữa, các khí bao gồm CO2, nitơ và oxy được đưa qua các bể lên men lớn, nơi nuôi cấy tạo ra protein trong vòng vài giờ. Những protein này được cô đặc, sấy khô và làm thành bột có thể được sử dụng để làm thịt thay thế thịt thật bằng cách thêm hương liệu và chất dinh dưỡng.
Do quy trình chăn nuôi để tạo ra thịt hiện nay của loài người được xem là một nguồn gây ô nhiễm không nhỏ cho hành tinh. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc, hoạt động chăn nuôi gia súc chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải carbon toàn cầu và hoạt động sản xuất thịt đỏ chiếm 41% lượng khí thải. Với dân số toàn cầu được dự đoán đạt 9,8 tỷ người vào năm 2050, mức tiêu thụ thịt dự kiến tăng đáng kể, cũng như cần nhiều đất hơn để sản xuất.
Công ty Air Protein cho biết, họ chưa công bố kết quả đánh giá hoạt động sản xuất thịt từ không khí song tuyên bố họ không đưa thêm bất kỳ khí thải nào vào bầu khí quyển. Việc ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống là mong muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai không xa./.