Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 được thành lập thống nhất từ 3 chương trình MTQG (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới). Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai chương trình từ các Bộ, ngành Trung ương, Lâm Đồng chủ động, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch để thực hiện Chương trình theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.
Việc xây dựng Chương trình của tỉnh đảm bảo theo yêu cầu của Trung ương về mục tiêu, nội dung, kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương. Sự quan tâm, đồng lòng và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là điều kiện tiên quyết giúp cho việc triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, từng cấp, ngành của tỉnh đã chủ động đề xuất, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương nhằm đảm bảo quy định tỷ lệ vốn đối ứng trong việc thực hiện dự án, tiểu dự án của Chương trình.
Tổng số vốn thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 của tỉnh Lâm Đồng là 1.527 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 886 tỷ đồng, ngân sách địa phương 640 tỷ đồng), trong đó vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững kinh phí 92 tỷ đồng. Trên cơ sở Trung ương giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép, huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các đề án, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện; bố trí các nguồn vốn theo hướng ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã phấn đấu về nông thôn mới… Việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư có sự tham gia của cộng đồng dân cư, khai thông nguồn vốn tín dụng để người dân đầu tư phát triển sản xuất phát huy tính hiệu quả, thu hút nguồn lực thực hiện Chương trình.
Kết quả đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.594 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 92%; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; đẩy mạnh các phong trào thi đua: “xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thiết thực, hiệu quả”, “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…/.