Tác phẩm mỹ thuật hài hòa, tinh tế
Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long là hiện vật nguyên gốc, được tìm thấy tại Hố A20 Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) trong địa tầng ổn định, phát lộ cùng với nhiều hiện vật và dấu tích nền móng kiến trúc có niên đại thời Lý, thời Trần thế kỷ XI-XIII. Hiện vật này được đưa vào không gian thời Lý của Phòng trưng bày Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất.
Theo tài liệu hồ sơ lý lịch hiện vật, Lá đề chim phượng gồm 2 phần, thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây bồ đề, một loại cây mang tính biểu tượng của Phật giáo, ở hai mặt trang trí đôi chim phượng. Kích thước phần thân lá đề cao tổng cộng 77cm; điểm rộng nhất rộng 74cm; độ dày lá đề không đều, phía dưới, tiếp giáp với bệ có độ dày dày hơn, dày trung bình khoảng 8cm và mỏng dần lên trên, vị trí mỏng nhất khoảng 5cm. Phần bệ lá đề có mặt cắt ngang uốn cong để khớp với ngói lợp bò nóc của mái, vì vậy các nhà nghiên cứu còn cho rằng đây là loại ngói úp nóc gắn lá đề. Đế lá đề rộng 65,5cmx34cm; cao 13cm; lòng uốn cong sâu 8cm; dày trung bình 8cm. Khi mới xuất lộ, phần đế đã bị vỡ và mất một số mảnh, nay đã được phục chế nguyên trạng.
Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Đây là một tác phẩm mỹ thuật hài hòa, tinh mỹ thể hiện sự trau chuốt, tài hoa của các nghệ nhân thời Lý.
Hoa văn trang trí cũng rất tinh xảo, hoàn mỹ. Phần diềm lá đề là họa tiết cuồng lửa. Các cuồng lửa được tạo thành nhiều lớp, tia lửa kéo lên trên tạo cảm giác sống động. Phần độ dày ở diềm lá đề cũng được tạo theo nhịp điệu của ngọn lửa cộng với kỹ thuật khắc sâu nhiều lớp tạo nên hiệu ứng hình khối rất sống động.
Trung tâm lá đề được trang trí hình đôi chim phượng dâng ngọc báu trên nền văn sen dây lá. Hình ảnh đôi chim phượng được thể hiện ở tư thế nhún đẩy dâng ngọc báu, đầu ngẩng cao, thân hình mềm mại, thanh thoát. Kỹ thuật tạo tác hoa văn, tất cả các bộ phận, chi tiết đều được khắc chìm bằng tay với các đường nét tả thực vừa tỉ mỉ, rõ nét vừa sinh động, biến hóa.
Bốn hình tượng phượng trên lá tương đồng nhau với mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công. Mắt, hàm to và tròn giống chim trĩ, hai bên hàm bờm dài uốn ngược về phía trước cùng nhịp với mào và đuôi. Cổ cao giống cổ chim công, cánh dang rộng, thân tròn, đuôi dài giống đuôi chim công. Đuôi dài được diễn tả với nhiều lớp, uốn lượn nhiều khúc chụm và tụ lên đỉnh lá đề. Thân không có vảy mà được đặc tả bằng những lớp lông rất chi tiết.
Ý nghĩa của biểu tượng lá đề, chim phượng
Lá đề gắn với Phật giáo, vì vậy hiện vật thể hiện rõ nét ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo trong các đồ án trang trí mỹ thuật của thời Lý. Cây Bồ đề được các tôn giáo như Bà La Môn và Phật giáo coi là cây thiêng, là biểu tượng của Phật giáo.
Đồ án trang trí chim phượng trong lòng lá đề là sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia.
Chim phượng hay còn được gọi là Phượng Hoàng là một trong những loài chim thần thoại có tính biểu trưng cao, xuất hiện từ Trung Hoa, lan truyền và ảnh hưởng đến các nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Tương truyền, loài chim thần thoại này tượng trưng cho lửa, mặt trời, công lý, sự vâng lời, lòng trung thành và các chòm sao phương Nam. Phượng là vua của các loài chim. Thân đẹp đẽ, duyên dáng và quyến rũ của chim phượng là sự kết tinh vẻ đẹp, sự mềm mại thanh lịch và duyên dáng của tất cả các loài chim. Hình dáng, màu sắc và tiếng hót của phượng đều mang tính tượng trưng cho những đức tính và phẩm chất tốt lành sự xuất hiện của phượng luôn báo hiệu điềm lành, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới an vui và thịnh trị.
Theo các nhà nghiên cứu, lá đề chim phượng có thể được trang trí ở chính giữa nóc mái cung điện, bởi quy mô kích thước to lớn và ý nghĩa biểu tượng của hiện vật. Đây là một tư liệu đặc biệt quan trọng cho việc nghiên cứu nghệ thuật, kiến trúc và tư tưởng thời Lý nói riêng và Đại Việt thời Lý-Trần nói chung.
Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý. Hiện vật này là tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý.