Hợp tác để ngăn chặn dịch
Trang trại nuôi lợn gia công liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Bình Phước của anh Nguyễn Thành Đảm (ngụ ấp 5, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) có quy mô lớn nhất nhì địa phương với trên 2.400 con lợn thịt. Trong đợt dịch vừa qua, trạng trại của anh vẫn trụ vững.
Anh Đảm cho biết, những năm trước đây gia đình anh gặp nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi lợn vì số lượng ít, chuồng trại xây sơ sài, ô nhiễm môi trường, chưa kể những khi lợn mắc dịch. Vì vậy, anh Đảm nuôi được vài lứa thì dừng.
Năm 2015 thấy người dân ở đây làm giàu từ chăn nuôi lợn do liên kết với một doanh nghiệp, tạo thu nhập ổn định, từ sự giới thiệu của người quen, anh đã tìm đến Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đặt vấn đề liên kết chăn nuôi lợn.
Theo anh Đảm, từ ngày liên kết với doanh nghiệp nuôi lợn, trang trại chưa bao giờ bị dịch bệnh. Đặc biệt, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, bên cạnh tuân thủ tuyệt đối nuôi lợn an toàn sinh học do công ty đề ra, anh còn được công ty trang bị hệ thống lưới để che phủ toàn bộ trang trại chống ruồi nhặng phát tán mầm bệnh.
Anh Đảm cho biết, với giá thành nhận gia công dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg lợn khi xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, anh bỏ túi 300 – 400 triệu đồng/lứa. “Việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi để cuối cùng cho ra sản phẩm chất lượng cao. Khi hợp tác, người nông dân vừa có cơ hội tiếp cận những cách làm hiện đại, vừa yên tâm sản xuất”, anh Đảm chia sẻ.
Ông Lê Đình Công, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Bình Phước cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 105 trang trại ký kết hợp đồng liên kết nhận nuôi gia công lợn thịt, với tổng đàn trên 80.000 con.
Thông qua đầu tư chăn nuôi gia công, đơn vị chủ động được nguồn hàng cung ứng cho thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các chủ trang trại có điều kiện tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Doanh nghiệp làm “đầu tàu”
Trong những năm gần đây, để giúp ngành Chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách mới như, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân, tư vấn xúc tiến đầu tư; ưu đãi về giá thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm thuế nhập khẩu,... từ đó tạo điều kiện và khuyến khích nhà đầu tư chăn nuôi đến Bình Phước.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Phước có 284 trang trại, tăng so với 2019. Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp và bà con phục hồi đàn lợn, sau khi dịch bệnh xảy ra, ngành Nông nghiệp giải quyết ngay tiền hỗ trợ heo bị tiêu hủy, giúp bà con có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Ngành cũng tập trung hỗ trợ, giới thiệu, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc con giống cho bà con tái đàn; tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi…
“Từ thành công của doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn. Từ đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập và cung cấp sản phẩm ra thị trường”, ông Lộc cho biết.
Tỉnh đang triển khai thực hiện tốt Luật Chăn nuôi và các quy định về điều kiện chăn nuôi của UBND tỉnh, như hỗ trợ chuỗi chăn nuôi xuất khẩu; kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ, miễn giảm tiền thuế người chăn nuôi có nhu cầu xây dựng trang trại quy mô lớn theo đúng quy hoạch chăn nuôi của tỉnh…”.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN & PTNT Bình Phước.