Điều kiện thuận lợi để tái đàn
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do ảnh hưởng bởi DTLCP trong năm 2019, tổng đàn lợn sau đó suy giảm nhanh chóng. Tính đến tháng 2/2020, tổng đàn lợn chỉ còn khoảng gần 24 triệu con, tương đương giảm 26% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (trước tháng 2/2019).
Với nỗ lực của ngành Chăn nuôi và chính quyền các địa phương, đến nay DTLCP cơ bản đã được khống chế. Theo rà soát của Tổng cục Thống kê (TCTK), tính đến ngày 26/4/2020, cả nước không còn dịch tai xanh trên lợn; DTLCP tiếp tục được kiểm soát trên cả nước.
Việc tái đàn lợn lúc này cũng tương đối thuận lợi vì ngoài yếu tố dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát thì tổng đàn lợn nái đang tăng trở lại. Đến hết tháng 4/2020, theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn nái sản xuất con giống của cả nước là gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Đây là kết quả từ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ NN&PTNT trong việc ứng phó với DTLCP. Trong thời kỳ cao điểm của dịch (tháng 6 -7/2019), Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các địa phương bảo đảm nguồn lợn giống cũng như lượng thức ăn chăn nuôi đáp ứng cho nhu cầu tái đàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sau khi DTLCP nằm trong tầm kiểm soát, ngày 18/3/2020, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 1965/BNN-TY về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ.
Tái đàn có kiểm soát
Ông Dương thông tin thêm, trong quý I/2020, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quý II đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của TCTK, nhu cầu thịt lợn xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 trước khi có DTLCP là khoảng 920 nghìn tấn. Như vậy, trong năm nay, đến quý III, quý IV là cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt lợn.
Nhưng để bảo đảm được sản lượng thịt xuất chuồng thì nhất thiết phải thực hiện tái đàn lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi không hề dễ dàng do nguồn vốn đầu tư gần như mất trắng theo đàn lợn bị dịch, trong khi giá con giống hiện ở mức cao, khoảng 2 - 3 triệu đồng/con. Đó là chưa kể, làm thế nào để tái đàn bền vững là vấn đề phải tính toán kỹ khi mà DTLCP vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT), DTLCP đã gây ra cú sốc rất lớn đến ngành Chăn nuôi lợn. Thực tế mầm bệnh DTLCP vẫn tồn dư ở trong các môi trường chăn nuôi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là hoàn toàn có thể, trong khi vắc xin cũng như thuốc điều trị chưa có.
Tuy nhiên, với công tác kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng, DTLCP đã nằm trong tầm kiểm soát nên người chăn nuôi lợn có thể tái đàn. Nhưng người chăn nuôi không nên tái đàn một cách ồ ạt mà nên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi bảo đảm các điều kiện chăn nuôi, đặc biệt là điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.
“Qua sự việc này, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các hộ chăn nuôi đều cho rằng chăn nuôi có kiểm soát, trong đó chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng”, bà Hạnh khẳng định.
Từ 1/1/2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực và có quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, vệ sinh thú y, điều kiện về môi trường chăn nuôi. Vì vậy, việc tái đàn lợn cũng cần thực hiện theo những quy định của Luật.