Chuồng bò nhìn chung khá đơn giản, để đảm bảo vệ sinh nên láng chuồng bằng xi măng (chú ý phải làm nền tốt, bởi vì bò có khối lượng lớn, thường xuyên vận động trong chuồng nên nền chuồng dễ bị hỏng), ngoài ra cần phải bố trí sân chơi, máng ăn, máng uống, nhà kho để dự trữ thức ăn thô cho bò.
Về thức ăn:- Thức ăn xanh: Cần phải có nhiều phương án để chủ động: trồng cỏ, dự trữ các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ khô (nên ủ Urê trước khi sử dụng), thân cây bắp (để dự trữ cần phải ủ chua), dây lang, thân đậu đỗ phơi khô,…
- Thức ăn tinh: đối với các giống bò lai hiện nay, bạn phải bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột bắp để đảm bảo khả năng sinh sản cho bò.
- Trong thời gian mang thai chú ý nên giảm cho bò ăn các thức ăn thô khó tiêu: rơm rạ, để tránh ảnh hưởng phát triển của thai. Bổ sung thêm thức ăn khoáng cho bò: NaCL 7-9g/100kg trọng lượng/ngày, CuSO4 (2g/con/tuần), CaCL (200mg/con/tuần), Fe (70mg/kg VCK thức ăn), Mn (20-40mg/kg VCK thức ăn).
- Cách đỡ đẻ: Thời gian mang thai của bò là 280 ngày (9 tháng 10 ngày), dựa theo lịch phối giống tách bò lúc mang thai 9 tháng để chuẩn bị đỡ đẻ.
- Những vật dụng cần chuẩn bị: Nước muối 10% hoặc dung dịch thuốc tím 2%. Cồn sát trùng 90o. Khăn lau khô, xà phòng, kéo, rơm hoặc rạ khô.
- Biểu hiện đẻ ở bò: Khi sắp sinh thấy đuôi cong lên, tĩnh mạch vú căng, hai mép âm hộ nở phù có dịch nhầy chảy ra, cơ mông nhão. Trước khi đẻ 2-3 giờ sẽ thấy sữa đầu.
- Đỡ đẻ cho bò: Tay người đỡ phải rửa sạch và sát trùng bằng cồn 90o. Trước hết kiểm tra xem thai thuận hay nghịch. Nếu nghịch ta phải sửa lại thuận, trong trường hợp khó đẻ phải báo ngay cho thú y can thiệp kịp thời.
-Bò đẻ thường mệt, nên cho uống thêm nước hoà cám, đường và ít muối. Cho bò ăn cỏ non hoặc rơm khô có nhiều dinh dưỡng. Chú ý theo dõi chăm sóc bò chu đáo trong thời gian này và dọn dẹp, tiêu độc chỗ bò đẻ.
CĐ