Tạo sự thống nhất về đấu thầu
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều.
Theo đó, Luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình làm rõ và bổ sung thông tin đánh giá tác động bằng phân tích định lượng để bổ sung cơ sở dữ liệu, số liệu minh chứng những tác động sát thực để Đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, bảo đảm hiệu lực thi hành của luật, đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.
Phát triển Tp. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của Tây Nguyên
Điều hành phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho đơn vị cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện. Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này và có 42 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển Tp. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới cấp tỉnh trong vùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Tiến hành thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Một số đại biểu cho rằng Nghị quyết cần: Xem xét mức đề xuất được miễn, giảm phải bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác; Cụ thể hóa các chính sách để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đặt ra; bổ sung một số chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố; cần có cơ chế ưu đãi cao nhất để phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghệ cao chế biến sản phẩm từ rừng, cây công nghiệp…
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.