Theo đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Nội vụ, gồm các nội dung chính: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.
Cùng với đó, là các nội dung: Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…); việc bảo đảm biên chế cho ngành Giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học; giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chính phần trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tham gia phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề còn bất cập trong lĩnh vực Nội vụ hiện nay đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Quan tâm đến vấn đề tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đặt câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thái Thị An Chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian vừa qua khi thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12, cơ cấu gọn hơn, theo đó số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi, nên đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và khoán đội ngũ không chuyên trách ở thôn.
Thực tế có bất cập, nên Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện Nghị định 34 và nhận thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Hiện dự thảo đã lấy ý kiến lần 1 đối với 63 tỉnh, thành. Sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét phù hợp hơn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nêu thực tế, việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng, miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương.
Trong khi đó, các tỉnh miền núi, biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực này rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?
Quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng chia theo từng khu vực, vùng miền và không cào bằng, đề xuất với các tỉnh miền núi, biên giới tỷ lệ tinh giảm từ 3 - 5%?
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã giải trình trước các đại biểu Quốc hội các nội dung về: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc…
Kết luận phiên chất vấn chiều 4/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều nay của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt. Đối với 7 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày mai Bộ trưởng Bộ Nội vụ có 30 phút để trả lời các câu hỏi này của đại biểu Quốc hội.