Giải quyết những vấn đề cấp thiết vùng DTTS
Trong 03 năm qua, nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đã giúp cho xã Xốp, xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei đầu tư dần hoàn thiện các đường liên xã, liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, xã Xốp cũng triển khai hỗ trợ sinh kế cho người dân, như: Hỗ trợ trâu, bò sinh sản; giống cây dược liệu, cà phê và hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Chị Y Hồng Vân (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Đăk Xi Na, xã Xốp chia sẻ: Lập gia đình đến nay cũng 10 năm nhưng vẫn ở chung với bố mẹ do chưa có đất ở. Vừa rồi huyện đầu tư khu giãn dân với hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt đầy đủ và cấp cho gia đình 230m2 đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng. Gia đình rất phấn khởi, cũng bán sâm Ngọc Linh thêm tiền vào xây dựng nhà cho khang trang.
Ông Y Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Xốp cho biết: Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ triển khai Chương trình MTQG 1719 và các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS đã giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế ổn định hơn. Hiện diện tích các loại cây trồng trên địa bàn xã đạt 758ha; trong đó, cây cà phê 218ha, cây mắc ca gần 50ha, cây dược liệu hơn 30ha... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 41 hộ, chiếm 7,3%.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là hơn 568.000 người, trong đó người DTTS chiếm gần 55%, với 43 dân tộc cùng sinh sống. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh; đặc biệt là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn; đời sống của người dân được nâng lên.
Ông A Quá (dân tộc Gié Triêng), làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông, hỗ trợ cây con giống nên cuộc sống đã đổi thay, không còn khó khăn như trước. Cuộc sống ổn định nên bà con quan tâm hơn đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ việc phát triển du lịch.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn xã NTM (trong đó có 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 37 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 6,84%. Chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, đặc biệt là vùng DTTS được củng cố và nâng cao. 100% trạm y tế có bác sỹ, 99% xã trên toàn tỉnh đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đảm bảo công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân…
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Đến thời điểm hiện nay, đã cơ bản đạt các mục tiêu tại Nghi quyết số 13 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện 03 Chương trình MTQG; trong đó, đối với Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, cụ thể: có 99,3% hộ DTTS có đất ở; 99,28% hộ DTTS có đất sản xuất; 91% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đạt 50% chỉ tiêu về số xã đặc biệt khó khăn thoát diện đặt biệt khó khăn; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đạt 4%/năm.
Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giai đoạn I
Với mục tiêu phấn đấu năm 2024 tỉnh Kon Tum giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%; có 07 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; có 05 thôn ra khỏi địa bàn thôn đặc biệt khó khăn; 98,55% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở và 98,45% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh đất sản xuất, tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719; huy động và lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp; cải thiện điều kiện sinh kế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhất là các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào DTTS có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống. Đặc biệt, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình MTQG 1719.
Ông Hà Văn Hợp (dân tộc Thái), Già làng, Người có uy tín thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Hiện nay, Chương trình MTQG 1719 đầu tư rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Vì vậy, với vai trò của Người có uy tín tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chung sức, đồng lòng cùng với chính quyền trong quá trình đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Ông Đinh Quốc Tuấn,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG 1719 vào cuối năm 2025, các cấp, ngành, đoàn thể tỉnh Kon Tum đang tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là nêu cao vai trò của các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân để tổ chức thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với các dự án, tiểu dự án.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của Nhân dân, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực để vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.