Tỷ lệ giải ngân thấp
Nghệ An là một trong những địa phương tiến độ thực hiện cũng như tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn không cao; cá biệt có một số huyện, nguồn vốn sự nghiệp phải trả lại, không giải ngân hết. Ngay như năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp ở các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Tương Dương… đã phải trả lại hàng trăm tỷ đồng. Còn năm 2024 này, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định phân bổ nguồn vốn sự nghiệp làm căn cứ cho các huyện thực hiện.
Trở lại mấy năm trước, nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 của Nghệ An có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 12,2%, năm 2023 (bao gồm vốn năm 2022 được kéo dài sang thực hiện năm 2023) tương ứng là 79,6%. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2024 (bao gồm vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang thực hiện năm 2024) tỷ lệ giải ngân 8,8% (tính đến ngày 31/3/2024). Với nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn. Theo đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương là 6%, còn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương chưa giải ngân; năm 2023 (bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang thực hiện năm 2023) giải ngân đạt 22,6.%; năm 2024 (vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang thực hiện năm 2024) chưa giải ngân; còn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương chưa có quyết định phân bổ.
Tình hình thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình MTQG 1719 ở huyện Đakrông (Quảng Trị) cũng chưa khả quan. Tổng kinh phí phân bổ cho Chương trình trong cả giai đoạn I là hơn 202 tỷ đồng. Nhưng, quá trình thực hiện các tiểu dự án, dự án chậm, dẫn tới tỷ lệ giải ngân đạt thấp; nhất là vốn sự nghiệp. Cụ thể, kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 là hơn 74 tỷ đồng, đã giải ngân thanh toán với tỷ lệ 79,41%; kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 kéo dài qua năm 2023 đã giải ngân với tỷ lệ 89,44%. Còn vốn sự nghiệp, kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 giải ngân đạt tỷ lệ 37,34%, kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân với tỷ lệ 7,87%.
Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang có chung bức tranh về giải ngân và tiến độ thực hiện thấp, chậm… như vậy. Tổng vốn kế hoạch giao năm 2024 cho tỉnh Lạng Sơn là hơn 1.684 tỷ đồng (bao gồm cả vốn kéo dài sang năm 2024). Quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển tính đến ngày 31/3/2024 (gồm cả năm 2022, 2023 kéo dài sang) mới đạt 1,9%; riêng nguồn vốn đầu tư năm 2024 đã giải ngân 18,2%. Đối với giải ngân vốn sự nghiệp, vốn từ năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024 giải ngân đạt 1,25%; vốn năm 2024 giải ngân đạt 0,35% (tính đến ngày 31/3/2024).
Chạy đua cho kịp tiến độ
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, đây là thời khắc quan trọng chạy đua “nước rút” vì tiến độ để hoàn thành mục tiêu đề ra của giai đoạn I. Vì thế, áp lực chỉ tiêu, áp lực giải ngân, áp lực tiến độ đang rất căng thẳng.
Trong rất nhiều những khó khăn, thách thức đang hiện hữu, có lý do về việc nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ chậm, dẫn tới nhiều địa phương khó bắt kịp theo thời gian để thực hiện. Thêm vào đó, cũng do là chương trình mới triển khai, các tiểu dự án và dự án của Chương trình MTQG 1719 do nhiều đơn vị là bộ, ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn, xâu nối, tổ chức thực hiện… nên cũng ít nhiều gây khó khăn cho cơ sở khi phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kịp thời… Nhiều địa phương cũng chia sẻ thực tế đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, đối tượng thụ hưởng, thậm chí có những nội dung còn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể… gây lúng túng cho các địa phương trong thực hiện.
Dẫu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng tinh thần của các địa phương vẫn là quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng tiến độ. Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho hay: Mục tiêu bây giờ là các nội dung của Chương trình. Vì thế, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối Chương trình Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Nhiều địa phương cũng khẳng định rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn trong những năm cuối của giai đoạn I. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thông tin: Chúng tôi đang tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý; tiếp tục quán triệt cho các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên và người dân hiểu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của địa phương và các cơ quan liên quan. Đồng thời, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình… để tiến độ giải ngân các nguồn vốn đạt tỷ lệ cao. Quá trình thực hiện sẽ có sự rà soát để điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn kinh phí được phân bổ.