Bảo tồn văn hoá truyền thống
Bảo Yên là vùng đất có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Nơi đây hội tụ những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Mông, Dao, Giáy, Nùng… Theo thời gian, những giá trị văn hóa có sức sống vượt thời gian, được lưu giữ và phát huy trong cuộc sống, trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng của dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên một số di sản văn hóa truyền thống của người Tày có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Là nghệ nhân cao niên đang lưu giữ những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc của dân tộc mình, Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày ở bản Rịa, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) luôn trăn trở lo xa khi mai này khuất núi sẽ mang theo di sản của cha ông về bên kia núi. Vì thế, ông cùng các nghệ nhân trên địa bàn huyện Bảo Yên đã miệt mài sưu tầm, ghi chép thành những cuốn tư liệu có giá trị về văn hóa như ngôn ngữ, tập quán làm nhà sàn, ẩm thực, trang phục, nhạc cụ, hát then, các hình thức diễn xướng dân gian trong đám cưới, đám tang, các trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống… để lưu giữ lại cho con cháu.
Bằng vốn sống, kinh nghiệm và tâm huyết của một người con sinh ra trong lòng bản người Tày, trong nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi đã sưu tầm được hàng ngàn câu tục ngữ, những câu chuyện cổ của người Tày, hơn 300 lời hát ru chính gốc của người Tày Nghĩa Đô. Đến nay, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã xuất bản 5 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Đô; sưu tầm, biên soạn 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa.
Truyền dạy cho thế hệ trẻ
Sau khi ghi chép, sưu tầm tư liệu về văn hóa các dân tộc, nghệ nhân Ma Thanh Sợi cùng các nghệ nhân trong vùng đã chủ động đề xuất với chính quyền địa phương tổ chức các lớp truyền dạy, các câu lạc bộ để phổ biến, tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền cho người dân trong bản, vừa giới thiệu, truyền dạy cho lớp trẻ các yếu tố văn hóa bản địa.
Tại xã Nghĩa Đô, vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên đã tổ chức lớp tuyên truyền, phổ biến, truyền dạy văn hoá dân gian dân tộc Tày cho hơn 60 học viên trong xã. Người trực tiếp giảng bài là Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi. Nội dung truyền dạy khá đa dạng, gồm các bài giảng về lịch sử hình thành, các phong tục, tập quán truyền thống, các lễ hội, các nghề truyền thống của dân tộc Tày.
Bằng sự am hiểu tường tận văn hóa cổ truyền, bài giảng của nghệ nhân Ma Thanh Sợi cô đọng, dễ hiểu và sinh động đã có sức cuốn hút các học viên và thấm sâu vào nhận thức của mỗi người, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Tại các buổi học, Câu lạc bộ hát then của xã đã biểu diễn các bài then để minh họa cho bài giảng, thực hành các nghề truyền thống như dệt cửi, đan lát…
Ông Lương Cao Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Việc truyền dạy của các nghệ nhân đã góp phần không nhỏ cho phát triển du lịch cộng đồng của xã, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”.
Còn tại xã Vĩnh Yên, trong những năm qua, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy đã nỗ lực trong việc sưu tầm những bài then cổ. Ông tự viết lời cho những bài hát then mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Ông cũng tự đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát then, thành viên tham gia chủ yếu là phụ nữ và các em học sinh đủ các lứa tuổi. Sau những giờ lao động, học tập, trong nhà văn hóa của bản hay trên những ngôi nhà sàn, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy tập hợp các thành viên Câu lạc bộ hát then để truyền dạy về nghệ thuật hát then, đàn tính, truyền dạy những điệu hát then mới do ông sáng tác.
Nhận xét về CLB hát then, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên-Hoàng Viết Hồng, cho biết: “Câu lạc bộ hát then của xã Vĩnh Yên hoạt động đều đặn và phát huy được hiệu quả trong truyền dạy những giá trị văn hóa trong hát then cho thế hệ trẻ”.
Kết nối thế hệ
Không chỉ thông qua các lớp học, việc truyền dạy của các nghệ nhân và các bậc cao niên trong các bản được thực hiện sinh động tại các lễ hội, ngày hội văn hóa dân tộc của các nhà trường, các câu lạc bộ, hợp tác xã để người dân và các em học sinh được hướng dẫn trực tiếp từ các nghệ nhân văn hóa. Nhờ vậy, các giá trị văn hóa cổ truyền được trao truyền liên tục, bền bỉ và có sức gợi nhắc thế hệ trẻ luôn giữ gìn, phát huy.
Chị Ma Thị Dao, dân tộc Tày, thành viên Câu lạc bộ hát then xã Nghĩa Đô chia sẻ: “Là một người trẻ, được các nghệ nhân và người cao tuổi truyền dạy hát then, đàn tính, tôi rất tự hào và không ngừng học hỏi để có kiến thức về văn hóa truyền thống”.
Bà Nguyễn Thị San, dân tộc Tày ở bản Nà Khương (xã Nghĩa Đô) làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nghề truyền thống với trên 20 hội viên. Bà San cho biết, Hợp tác xã đã khôi phục những nghề truyền thống của xã như đan lát, dệt cửi để truyền dạy cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, các thành viên của Hợp tác xã đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thân thiện với môi trường từ đan lát, dệt thổ cẩm, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng của xã.
Tại Trường THPT số 3 Bảo Yên (xã Nghĩa Đô) năm nào cũng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc và mời các nghệ nhân, các bậc cao niên am hiểu văn hóa đến hướng dẫn học sinh thiết kế các sản phẩm văn hóa dân tộc. Từ sự hướng dẫn tỉ mỉ và dễ hiểu của các nghệ nhân, các em học sinh đã tiếp thu nhanh và nâng cao ý thức về giữ gìn văn hóa.
Thầy giáo Bùi Văn Hiến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên chia sẻ: “Những kiến thức mà các nghệ nhân và người lớn tuổi truyền dạy cho học sinh có giá trị thực tiễn lớn trong xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường học đa văn hóa của nhà trường”.
Có thể khẳng định, trong hành trình bảo tồn và lưu truyền văn hóa, những nghệ nhân và người cao tuổi như những truyền nhân, những “cây đa” của bản làng đang ngày đêm miệt mài trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Sự dày công và tâm huyết của họ góp phần tạo nên một mạch nguồn chảy mãi của dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện tại và tương lai.