Dự án 8 “về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), được triển khai từ năm 2021 đến nay, với 4 nội dung trọng tâm, trong đó việc thành lập các mô hình là một trong những chỉ tiêu quan trọng của dự án.
Bà Y Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum cho biết: Thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thành lập 306 Tổ truyền thông cộng đồng. Các Tổ truyền thông cộng đồng đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động truyền thông tại vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, thực sự đã trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội với người dân trong triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng; nhiều gia đình thay đổi tư duy, nếp nghĩ, dần loại bỏ những định kiến và khuôn mẫu giới.
Cùng với việc vận hành các Tổ truyền thông cộng đồng, các cấp Hội LHPN đã củng cố và thành lập mới 142 mô hình "Địa chỉ tin cậy". Đây là nơi hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình, đồng thời cũng là địa chỉ kết nối với các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm giúp các nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai các mô hình của Dự án 8 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như việc tổ chức và vận hành các Tổ truyền thông cộng đồng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ kỹ năng, kiến thức của đội ngũ thành viên và nguồn kinh phí duy trì hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình với nhiều hình thức như bạo lực về thể chất, về tinh thần, kinh tế đang là vấn đề cần phải có sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Đáng lo ngại là tình trạng bạo lực gia đình tuy có giảm về số lượng nhưng lại gia tăng về mức độ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Kon Tum, trong 2 năm trở lại đây đã xảy ra 36 vụ bạo lực gia đình, trong đó hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em. Số vụ bạo lực gia đình giảm dần theo từng năm nhưng tính chất, hành vi bạo lực xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
Những nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các định kiến giới, tệ nạn xã hội và sự thiếu hiểu biết về pháp luật; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột.
Do đó, trong Tháng Hành động vì Bình đẳng giới năm 2024 với chủ đề: “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, các cấp Hội LHPN tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng; khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới và các tổ chức xã hội nhằm xóa bỏ định kiến giới, cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên phụ nữ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp, bám sát thực tế và nhu cầu của hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Hội LHPN tỉnh đã khen thưởng 10 tập thể, 20 cá nhân tiêu biểu trong hoạt động truyền thông.