Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chính sách hỗ trợ cây con giống, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… để đồng bào phát triển, ổn định đất sản xuất,… là những chính sách “chắp cánh” cho mô hình gia trại phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào DTTS.
Hỗ trợ cây, con giống
Là huyện vùng biên của tỉnh Thừa Thiên - Huế, A Lưới có trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Bắt tay vào việc thay thế phương thức, mô hình sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bằng mô hình nông nghiệp gia trại, trang trại tập trung, là mục tiêu mà huyện A Lưới đang hướng tới.
Để hoàn thành mục tiêu, A Lưới đã ban hành nhiều đề án, chính sách kịp thời để hỗ trợ đồng bào. Đầu tiên phải kể đến Đề án phát triển đàn bò vàng A Lưới, đây là Đề án được UBND huyện A Lưới phê duyệt và thực hiện từ năm 2017.
Trải qua hơn 5 năm thực hiện đề án, đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi. Theo đề án, những hộ gia đình được chọn thực hiện sẽ được hỗ trợ 70% tiền lãi suất mua bò giống. Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ đồng bào chi phí giống cỏ chất lượng cao phục vụ chăn nuôi.
Từ đề án, hàng trăm hộ đồng bào đã mạnh dạn vay vốn để mua bò. Hộ ít thì vài con, hộ nhiều thì hàng chục con. Đề án đã tạo động lực, làm thay đổi tư duy trong đồng bào DTTS về chăn nuôi tự cung tự cấp, sang chăn nuôi hàng hóa. Đó là tiền đề để bà con mở rộng chăn nuôi, trồng trọt sang những cây con khác và phát triển thành những mô hình gia trại tổng hợp cho thu nhập cao.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển đàn bò, hiện nay bò vàng A Lưới đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện miền núi A Lưới. Từ những bước đi đầu tiên, vững chãi, bò A Lưới còn có đầu ra ổn định, giá cả cao. Đồng bào có lãi trong chăn nuôi, có điều kiện tái đầu tư, mở rộng mô hình.
Tiếp nối thành công, A lưới tiếp tục thực hiện hỗ trợ để phát triển mô hình “vườn kinh tế”. Với phương châm, Nhân dân xây dựng vườn đạt chuẩn, huyện kiểm tra và chi trả tiền hỗ trợ. Chính sách này đã tạo ra được một phong trào lớn mạnh trong toàn xã hội.
Hiện nay, đã có 50 vườn đạt tiêu chuẩn và nhận tiền từ chính sách phát triển vườn kinh tế của huyện. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/1 vườn không phải là nhiều, tuy nhiên đó là cách làm đúng để đồng bào có thêm động lực để phát triển kinh tế vườn, ao chuồng. Từ đó hình thành và “chắp cánh” cho mô kinh kinh tế gia trại theo đúng định hướng mà A Lưới đang xây dựng để đồng bào thoát nghèo.
Với quyết tâm để mô hình gia trại thực sự trở thành trụ cột để xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, A Lưới tiếp tục với chương trình hỗ trợ vườn rau công nghệ cao. Theo đó, mỗi một mô hình được chọn sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Tuy thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng đến nay, đã có 6 mô hình xây dựng thành công và nhận tiền hỗ trợ từ chính sách.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Văn Lập Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: “Huyện có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất để bà con nâng tầm sản xuất lên mô hình gia trại. Đặc biệt là Đề án phát triển bò vàng A Lưới và chuối già lùn. Thông qua những chính sách, đề án hỗ trợ đồng bào DTTS, đã có nhiều hộ gia đình phát triển thành trang trại, gia trại lớn. Đồng thời, đưa hai sản phẩm bò vàng A Lưới và chuối già lùn thành 2 sản phẩm OCOP của huyện”.
Lồng ghép nhiều chương trình
Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), cũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Để đồng hành cùng đồng bào DTTS phát triển, Nam Đông đã lồng ghép nhiều chương trình, chính sách để làm “bà đỡ” cho mô hình gia trại.
Thông qua các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, như chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động là người DTTS...
Nam Đông định hướng phát triển mô hình gia trại thông qua chương trình khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuyên truyền các hộ đồng bào DTTS tận dụng tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng.
Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện, tập trung phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, đưa trang thiết bị máy móc vào sản xuất gắn với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Từ những chính sách hỗ trợ trực tiếp và những giải pháp đề ra của huyện, sự vào cuộc “cầm tay chỉ việc” của ngành Nông nghiệp và sự tham mưu và triển khai sát sao của Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ tính riêng ở xã Thượng Nhật (Nam Đông) đã có nhiều mô hình kinh tế gia trại cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm. Trong đó, thu nhập lớn nhất tập trung vào các gia trại trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc.
Sự đầu tư các hợp phần kinh tế theo hướng gia trại, đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong đồng bào DTTS. Điều này, đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở vùng DTTS theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Qua đó, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của bà con từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho đồng bào DTTS.