HTX góp phần hay đổi phương thức sản xuất
Ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, nhiều người nhìn nhận Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng Lê Minh Hải là người quyết liệt. Có được một HTX Tân Hưng quyền uy - một trong 14 hình mẫu HTX kiểu mới của tỉnh Kiên Giang cũng chính là nhờ vào sự quyết liệt của người đàn ông này.
Thành lập từ năm 2007, HTX nông nghiệp Tân Hưng ra đời mang sứ mệnh xóa bỏ tư duy, tập quán canh tác cũ ở Giục Tượng, vốn là cộng đồng sinh sống của nhiều hộ dân đồng bào Khmer từ bao đời nay. Những ngày đầu thành lập, cả HTX Tân Hưng chỉ có 29 thành viên với vốn điều lệ vỏn vẹn 50 triệu đồng.
Sau nhiều trăn trở, nỗ lực, quyết tâm, từ 29 thành viên với 60ha đất nông nghiệp tại cánh đồng Tam Giác ban đầu, nay đã phát triển lên 325 hộ dân tham gia HTX Tân Hưng với 6 cánh đồng - tổng diện tích 512ha lúa hai vụ. Từ 50 triệu đồng vốn điều lệ nay đã tăng lên 1,1 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 6 tỷ đồng. Tổ chức sản xuất đã thành nề nếp, chỉ riêng chi phí đầu vào, thành viên HTX Tân Hưng có thể tiết kiệm được từ 2,5 - 3 triệu đồng so với canh tác tự do. Nhờ tư duy thay đổi, 95% đồng bào Khmer trong HTX đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, giàu. Thành viên HTX được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp.
Chia sẻ bí quyết của Tân Hưng, ông Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX chỉ nói ngắn gọn: Đã làm HTX thì phải chịu khó tìm tòi để mở những dịch vụ người dân cần. Cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, có như thế bà con mới tin tưởng mà tham gia.
Ở huyện Giồng Riềng, sự đồng hành của HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thuận, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, chú trọng ừng dụng khoa học công nghệ.
Theo ông Nguyễn Minh Vạn, Giám đốc HTX Tân Thuận Phát, HTX hiện đang thu hút 119 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 206ha với các loại cây chủ lực gồm lúa, tiêu, rau màu… theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hiện, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đang là điểm nhấn trong hoạt động của HTX. Với tổng diện tích trên 100ha, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.
“Các thành viên HTX còn góp vốn chung để ký hợp đồng với doanh nghiệp để mua phân bón, vật tư nông nghiệp số lượng lớn, giá rẻ hơn mua bên ngoài 10-20%, hoàn toàn không phải lo về chất lượng. Nhờ sản xuất khoa học, mô hình trồng lúa trên cánh đồng lớn của HTX đảm bảo năng suất 7 - 9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ”, ông Vạn cho biết thêm.
Thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển
Giồng Riềng là một trong những vùng lúa trọng điểm của Kiên Giang, giữa vùng Tứ giác Long Xuyên rộng lớn. Từ rất sớm, các thế hệ lãnh đạo ở Giồng Riềng đã xác định, kinh tế tập thể là con đường tất yếu, duy nhất, để giải quyết những “bài toán” ruộng đồng manh mún với thị trường bấp bênh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…
Nhằm đẩy mạnh kinh tế tập thể, HTX, mới đây, UBND huyện Giồng Riềng đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn này là sáp nhập, phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn khoảng 90 HTX nông nghiệp. Trước mắt, năm 2022 sẽ sáp nhập 12 HTX có diện tích nhỏ thành 5 HTX lớn với hơn 1.200 hộ thành viên và gần 1.000ha, tập huấn, hướng dẫn cấp mã vùng trồng cho 50 - 70 HTX, phấn đấu cuối năm có khoảng 10% HTX loại giỏi, không còn yếu kém...
Có thể thấy, thời gian qua, Kiên Giang đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX. Nhiều địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi, củng cố các HTX kém hiệu quả, sát nhập, thành lập các HTX kiểu mới, thu hút được đông đảo doanh nghiệp cùng tham gia, mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp ở với việc cung cấp cho thị trường hơn 4,5 triệu tấn lương thực, hơn 800.000 tấn thủy sản/năm. Kiên Giang có 433 HTX, qua đánh giá, HTX tốt, khá chiếm 38%, HTX hoạt động yếu kém và có thể giải thể chiếm trên 10%.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ sự phát triển của các HTX. Theo đó, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý các HTX. Trong đó, chú trọng đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản trị sản xuất, quản trị nhân lực, vận hành hoạt động HTX. Trung bình mỗi năm có hơn 99 lớp đào tạo, hơn 4.600 thành viên HTX đã được tiếp cận với chương trình. Riêng trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu cán bộ quản lý các HTX có trình độ từ cao đẳng trở lên, tỉnh đã có kế hoạch dành riêng kinh phí 9,6 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực này.
Bên cạnh đó, Kiên Giang chú trọng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, trong đó tập trung thực hiện nghị định, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong tiêu thụ nông sản. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết với các HTX hằng năm. Hiện tại, đã giới thiệu được hơn 358 HTX của tỉnh, hơn 75.000ha diện tích sản xuất của các HTX được tiếp cận trong liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, các thành viên HTX cũng được giới thiệu tiếp cận các nguồn tín dụng. Đã có hơn 1.200 hộ sản xuất được hỗ trợ vay vốn mua máy móc thiết bị với số tiền 733 tỷ đồng.
“Trong giai đoạn tới, ngoài nguồn lực sẵn có, tỉnh sẽ lồng ghép thêm các dự án đang triển khai, nhất là dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai trên địa bàn tỉnh như dự án VnSAT, đề án 445 hỗ trợ HTX phát triển kiểu mẫu, dự án phát triển thủy sản 2021-2025…”, ông Lê Hữu Toàn cho biết thêm.